Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

"Gà công nghiệp" Bạch Dương

Tôi : "Gà công nghiệp"




Không biết từ khi nào, mọi người trong nhà đều gọi tôi là “Gà công nghiệp”, tôi nhớ rất rõ là từ khi đang học phổ thông, hình ảnh con gà công nghiệp còn rất mờ nhạt, đến bản thân tôi cũng không hình dung ra diện mạo của chú gà công nghiệp là thế nào, nhưng tôi đã được mệnh danh là “Gà công nghiệp” từ ngày ấy! Thực lòng đôi lúc tôi cũng thấy tủi thân nhưng lâu dần thành quen với lại ngẫm thấy mình đúng là gà công nghiệp thật!



Chia sẻ với bạn đọc hai ví dụ gần đây nhất đã đến với tôi:



Lần thứ nhất:



Trời mưa, khoảng hơn 9 giờ tối bỗng có tiếng chuông, ngó ra cửa tôi thấy một nam thanh niên quần áo bê bết máu, vẻ mặt thiểu não, tôi hoảng hốt chưa hiểu điều gì, cậu thanh niên nói:



-Người nhà cháu bị tai nạn đang nằm cấp cứu bên bệnh viện bộ xây dựng, cô làm ơn cho cháu xin thêm chút tiền để đóng viện phí.



Tôi hỏi:



-Cháu thiếu nhiều không?



Cậu trả lời:



-Mỗi người cho cháu một ít rồi nên cháu thiếu 200 ngàn.



Nghĩ là ai cũng có lúc hoạn nạn, khó khăn, cực chẳng đã họ mới phải gõ cửa đi xin vào lúc mưa gió khuya khoắt thế này, tôi vội vàng vào nhà lấy 200 ngàn và không quên đưa thêm cho cậu ta một gói bánh ngọt cùng một chai nước kèm theo lời dặn:



-Cố lên cháu nhé!



Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị đi làm thì chị hàng xóm nói chuyện là tối qua cũng có một thanh niên xin tiền, quần áo bê bết máu nhưng chị không cho vì đó là bọn đi lừa, chị còn nói:



-Quần áo của nó không phải là máu mà là tiết lợn đấy, nhiều người nói là cũng bị lừa kiểu này rồi!



Tôi thầm mong cậu thanh niên ấy không phải là người nói dối, nhưng lòng tôi lại cũng muốn gia đình cậu không có người bị tai nạn như lời cậu đã nói với tôi. Người xưa có câu:



“Nhân bảo như thần bảo”, biết đâu chỉ vì câu nói dại dột của cậu ấy mà gia đình cậu ta lại mang họa thì đau lòng biết bao!



Lần thứ hai:



Thứ bảy tuần vừa rồi, một phụ nữ ăn mặc khá lịch sự, trạc gần 40 tuổi bấm chuông, nhìn thấy tôi, cô ta nhanh nhảu nói:



-Em là người của công ty vệ sinh và môi trường đóng trên địa bàn phường, chị cho em vào nhà được không ạ?



Tôi vui vẻ mời cô vào nhà, cô giải thích:



-Chuyển mùa nên chúng em tổ chức phun thuốc diệt muỗi và côn trùng, chị đăng ký và nộp 200 ngàn , chiều mai đúng 3 giờ chúng em sẽ phun thuốc, chị dọn dẹp nhà cửa nhé!



Kèm theo lời dặn, cô đưa cho tôi một hóa đơn đỏ có ghi rõ số điện thoại và địa chỉ giao dịch.



Sáng chủ nhật mẹ con Bống đến mời tôi đi chơi cùng nhưng tôi nhất quyết không đi vì còn dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón đoàn phun thuốc, đến gần 4 giờ chiều vẫn không thấy, tôi đành gọi điện thoại ghi trên hóa đơn thì: Tò tí te, hỏi tổng đài thì: “Số điện thoại này không có!”



Biết là bị lừa, và chót dọn dẹp nhà rồi nên tôi đành ra đại lý mua một hộp xịt với giá 75 ngàn về tự xịt lấy rồi sang nhà mẹ ngủ. Chuyện bị lừa giấu biến kẻo lại bị mẹ mắng vì tội hay tin người.



Không biết sẽ còn bao nhiêu lần dại không lần nào giống lần nào dành cho tôi nữa?



Ngẫm thấy danh hiệu “Gà công nghiệp” dành cho tôi quả là không oan!

Cảm nhận của Tiến sĩ Vương Cường khi đọc Hồi ức chiến tranh Trị Thiên Huế trong tôi

Cảm nhận của Tiến sĩ Vương Cường khi đọc:


Hồi ức chiến tranh "TRỊ THIÊN HUẾ TRONG TÔI"

của tác giả Đào Mai







Lời dẫn của Bạch Dương:

Hôm qua (13.3.2011) Bạch Dương thật sự rất vui và cảm động khi nhận được điện thoại của anh Vương Cường thông báo rằng anh đã đọc xong cuốn Hồi ký của Ba tôi và có viết bài cảm nhận, anh xin địa chỉ Email gửi cho tôi bài viết công phu này. Trước khi trân trọng đăng nguyên văn bài viết của anh Bạch Dương xin được bầy tỏ đôi điều:



Hè năm 2005, từ nơi xa trở về Hà nội, tôi được bác xe ôm gần nhà kể lại: "Không biết ông cụ nhà chị lên nhà xuất bản Hội nhà văn làm gì mà nhờ tôi đưa lên đó hàng chục lần, không được việc gì?"



Tôi hỏi thì ba trả lời: "Ba mang bản thảo Hồi ký chiến đấu đi nộp để họ in, nhưng không được việc". (Tôi thương cho ý nghĩ ngây thơ của ba vô cùng!).



Hè 2008, được tin ba mắc bệnh nan y, tôi quyết định trở lại quê nhà, được chăm sóc, gần gũi ba những ngày cuối cùng, tôi càng hiểu thêm niềm đam mê viết của ba qua lời người tâm sự: "Nhớ đồng đội, nhớ chiến trường, đặc biệt là chiến trường ác liệt Trị Thiên Huế những năm 1968-1972, ba muốn làm một điều gì đó để tri ân những người đã ngã xuống!"



Những trang hồi ức của ba tôi ra đời trong hoàn cảnh như vậy.



Nhớ lời ba dặn khi trao những tập bản thảo viết tay cho tôi trước khi người đi xa mãi không có ngày trở về: "Con đánh máy và cất giữ cẩn thận cho ba nhé!". Lúc ấy tôi không nói được gì ngoài từ "Vâng". Ba nắm chặt tay tôi mãi không rời!



Đó là những giờ phút cuối cùng của ba tôi vào tháng 8-2008.



Tháng 11-2010, được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà văn Hoàng Đình Quang, bạn học Hoa Huyền, tập hồi ức Trị Thiên Huế của ba tôi ra đời, thú thật là tôi chỉ nghĩ đơn giản: Thay vì đánh máy tôi sẽ xuất bản cho ba tập sách mà ba hằng tâm huyết khi viết và trân trọng cho đến khi nhắm mắt để con cháu giữ làm kỷ niệm, cũng là để thỏa lòng mong ước bấy lâu của người, tôi cũng nghĩ: Thời buổi xã hội đang phát triển theo xu thế hội nhập, nhiều khi những kỷ niệm về chiến tranh sẽ trở nên lạc lõng với một số người, nhiều người còn có biểu hiện "quay lưng" với quá khứ nữa ấy chứ!



Nhưng tôi đã nhầm!



Sau khi nhận sách, tôi gửi tặng các chú bác là hàng xóm, cũng là đồng đội cũ của ba ở nhà A2, nơi ba tôi đã gắn bó ở đó 25 năm, Tặng các chú các bác ở câu lạc bộ thơ mà ba tôi vẫn tham gia sinh hoạt. Tặng các đồng chí đã và đang làm việc ở Cục dân quân - Bộ tổng tham mưu, nơi ba tôi làm việc ở đó một thời gian dài cho đến khi về hưu. Mọi người đều vui và cảm động. Có một điều đặc biệt là Cục dân quân đã cử một đoàn cán bộ do đồng chí Cục trưởng đích thân mang tặng cho Bộ Chỉ huy quân sự, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế để lưu giữ vào thư viện (50 cuốn). Sau đó vài ngày tôi có nhận được điện thoại của anh Nghĩa Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Quân sự Thừa Thiên Huế gọi ra hỏi thăm và cảm ơn gia đình, anh cũng đánh giá cao tập Hồi ký của Ba tôi đã để lại nhiều tư liệu lịch sử cho địa phương...



Vậy là tập sách của ba tôi đã được đón nhận với tình cảm chân thành từ những người bạn, người đồng chí của ba, tôi thực sự xúc động.



Trong số bạn bè của mình, tôi có ký tặng TS Vương Cường cuốn sách của ba tôi, sau khi nhận từ tay tôi, anh nói: "Anh sẽ đọc và có cảm nhận, có điều dịp này anh đang rất bận", kèm theo lời nói, anh ấn vào tay tôi một phong bì nhỏ: "Em về mua gì thắp hương cụ hộ anh, anh sẽ đọc sách của cụ với tấm lòng của một người lính, người đồng đội cũ vì anh đã từng chiến đấu ở chiến trường đó những năm tháng ác liệt nhất". Anh làm tôi xúc động và không dám trái ý. Thời gian trôi đi, tôi cứ nghĩ lời hứa anh khó thực hiện được vì biết là anh bận lắm(xin lỗi anh vì ý nghĩ này của Bạch Dương) .



...một lần nữa anh lại làm tôi xúc động vì những điều anh đã viết, tôi nghĩ: Không đọc kỹ thì không thể viết "kỹ" được đến thế! Và đôi khi đọc được "kỹ" nhưng không có kỹ năng viết cũng không thể viết được những câu chữ sâu sắc đến thế (như bốn chị em tôi là một ví dụ) . Tôi và chị gái của tôi (Phó giáo sư - Tiến sĩ Đào Thị Oanh) rất tâm đắc bởi hình ảnh so sánh của anh với quá khứ khoán sản trong Nông nghiệp ở miền Bắc nước ta vào thập kỷ ấy! Cũng làm nổi bật thêm ý nghĩa logic: "Tập hối ký của tác giả ĐÀO MAI như thêm một minh chứng cho ta thấy một góc nhỏ của chiến trường, trả lời thêm cho việc vì sao khoán của Kim Ngọc chưa được dùng trong thực tế." (lời anh Vương Cường)



Qua entry này, tôi muốn thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn tới những người đồng chí, người bạn của ba, các anh, chị và bạn bè của tôi, cảm ơn anh đã dành thời gian đọc cuốn Hồi ức của ba tôi với tình cảm đặc biệt và có lời cảm nhận tâm thành.



Tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi bạn đọc vì một số thiếu sót trong cuốn sách như lời cảm nhận của anh Vương Cường và xin được lượng thứ.



Được sự đồng ý của anh, tôi xin chia sẻ lời cảm nhận của anh với bạn đọc vnwebogs. Cảm ơn sự đồng ý của anh và sự quan tâm của quý bạn đọc.



Đọc sách:

Hồi ức chiến tranh "Trị Thiên Huế trong tôi"

của Tác giả Đào Mai,

NXB Hội nhà văn năm 2010

Tiến sĩ Vương Cường. vnweblogs.com



Tôi được chị Bạch Dương gửi tặng tập sách “Trị Thiên Huế trong tôi” của bác Đào Mai, thân phụ của chị, khi sách vừa ra. Ý nghĩ phải đọc và viết một cái gì đó vì với tôi Trị Thiên Huế rất gần, có thể nói tôi và nhiều bạn tôi được sinh ra ở đó lần thứ hai. Nhưng rồi do bận nhiều việc nên cứ lần lữa mãi, trong đó có ý nghĩ chủ quan rằng, chắc hồi ức chiến tranh cũng na ná nhau, ta thắng địch thua, ca ngợi những người lính anh hùng…Thời nay lại là thời của cuộc chiến tranh khác, chiến tranh kinh tế, nghe chừng không hợp cảnh lắm. Người Trung Quốc còn bỏ Lỗ Tấn ra ngoài sách giáo khoa cơ mà!



Nhưng lời nói với chị Bạch Dương, tôi vẫn giữ. Câu nói của Abutalip vẫn nóng hổi trong tôi: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác". Giữa hai chiều day dứt ấy cho đến những ngày tết, ngồi nhà tôi đọc. Không ngờ các tình tiết câu chuyện cuốn hút tôi, đọc đến hết!



Tập hồi ký có 9 mục, trong đó mục 1: Hồi ký kháng chiến chống Mỹ cứu nước xem như lời nói đầu hay tâm sự của tác giả khi viết tập sách này, mục 9 là phụ lục: Thơ.



Thật cảm động khi đọc những lời cuối sách của con gái tác giả Đào Thị Phượng.



Hồi ức chiến tranh thực sự bắt đầu từ mục 2 đến mục 8, nhưng tôi thật sự chú ý từ mục 3 đến mục 8! Bạn có thể hỏi vì sao, bởi tôi thấy từ mục 3 đến mục 8, không khí chiến trường, các câu chuyện kể tự nhiên, có kịch tính, đọc và thấy chiến tranh nơi vùng đất ác liệt nhất nhì trong chiến tranh cứ hiện về rõ nét. Tập hồi ức này cho ta sống lại những năm tháng ác liệt của cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của đất nước. Không gian câu chuyện xẩy ra từ nơi chiến trường máu lửa và tinh thần yêu nước, xả thân của những người chiến sỹ vùng đất đó. Thời gian là những ngày tháng tổng tiến công, nổi dậy 1968, năm mà sau đó, chiến trường mở mắt cho Mỹ biết cần phải tính đến cuộc rút chân ra khỏi miền Nam. Hồi ký thật sự thành cao trào ngay trong đêm mồng 1 tết Mậu Thân. Không phải những đại đoàn quân tiến đánh các trận đánh lớn mà như một sự âm thầm của những du kích bí mật, những chiến sỹ giao liên gan vàng, dạ sắt, khi tuổi đời chưa quá 20. Những bà mẹ, những chị, những em thông minh, táo bạo, mưu trí, anh hùng, nghĩ ra nhiều cách đánh giặc với lòng nhiệt huyết dám chấp nhận hy sinh với quyết tâm tự nguyện đánh giặc bằng mọi cách. Những địa danh từ thành phố Huế đến các huyện Hương Trà, Hương Thủy…những làng Văn Xá, La Chữ, Quế Chữ…vốn quen thuộc với mọi người thời đó nay lại ngân vang trên từng trang sách. Tôi yêu “người đàn bà trong ngõ cụt”không chỉ hành động cứu người chiến sỹ cách mạng trong hoàn cảnh éo le mà còn vì chị là người sâu sắc. Tôi thương mến chị giao liên dẫn đường mà sự tự tin, bình thản giữa vòng vây giặc mà như đi làm đồng. Chị nói với tác giả: “Đồng chí đi sau tôi dăm chục bước, thấy tôi lấy nón quạt là đi bình thường. Nếu gặp giặc phải nổ súng, đồng chí cứ đi, mặc tôi đối phó với chúng”. Tôi yêu em Phức vừa 12 tuổi đã là một giao liên đầy kinh nghiệm, em hồn nhiên và tham gia đánh giặc mà cứ như đi chơi. Lặn lội đầy mưu trí giữa bốn bề là gặc nhưng khi đến hậu cứ em lăn ra ngủ thật ngon lành. Tác giả viết:” Phức nằm khoèo trên chiếc phản con ở trong phía dãy bàn ăn đánh một giấc…” Giấc ngủ của một thiên thần giữa bốn bề là giặc, tuy có an toàn hơn, nhưng ở chiến trường điều gì cũng có thể xẩy ra ví như giặc đổ bộ hay pháo bắn, máy bay ném bom…Nhưng mặc kệ, cuộc chiến còn dài cần ngủ lấy sức để tiếp tục. Tôi cũng đã theo bước chị du kích bí mật Hường và Cúc đi lại ba lần tìm cách đánh xe thư của địch, nhưng cả ba lần đều không có thuận lợi và rồi tự nghĩ ra cách đánh bọn Mỹ ngay giữa làng mình, mặc dù chỉ huy xã chưa dám đánh vì không có đường rút. Hai chị đánh giặc mà như diễn kịch! Những tên Mỹ và ngụy sống sót ngay trong lúc đó cũng không thể ngờ người chúng gặp vừa ném lựu đạn tiêu diệt 3 tên Mỹ và mấy cô gái điểm. Chỉ huy xã vẫn cân nhắc sợ mấy cô này chết mặc dù chúng cũng là những điệp viên.



Một phía khác, phía bên kia, những tên xâm lược cũng hiện lên khá rõ qua nét bút của tác giả. Những chiến sỹ biệt động cũng hiện lên như những anh hùng. Hồi ký còn cho thấy sự tài tình của cách mạng khi cài người vào làm chỉ huy, người chịu trách nhiệm cao nhất, tiểu đoàn trưởng quân ngụy. Việc đại úy bị bắt cùng 17 tên ngụy, trong đó có 4 an ninh ngụy và cuộc “đấu tranh” cũng như trốn trại giam được tác giả viết tỷ mỷ, có lớp lang, có kịch tính thật sự thu hút. Chỉ có người chỉ huy cao nhất ở đó và chúng ta, những người đọc mới biết được đại úy là “người đàng mình”. Hồi ký cũng cho thấy sự hy sinh cao đẹp của những chiến sỹ cách mạng trên chiến trường đánh giặc. Họ không hề có giây phút cân nhắc, tất cả vì độc lập dân tộc, họ là những anh hùng trong lòng bạn đọc.



Tác giả không phải nhà văn nhưng là người trong cuộc. Những chuyện kể có thật, tự nhiên không thêm thắt, văn phong cũng mộc mạc nhưng sinh động lắm. Óc quan sát thật tỷ mỷ, những vật hiện hình đều có lý. Này nhé, tả trong nhà người đàn bà, cho tới giờ chưa biết tên gì và ở đâu: “ Tôi cũng chú ý ngay sát đầu giường có một cái bồ to, chắc là đựng vỏ bào, vì ngay cạnh đó trên nền nhà là một đống lốn nhổn mùn cưa, củi vụn…” Một thí dụ này cũng cho thấy sự tả khá tinh tế, ta biết ngay là người đàn bà nghèo. Tôi nhớ SêKhốp có nói đại ý, khi tả trong truyện nếu có khẩu súng treo trên tường thì khẩu súng ấy phải bắn trong câu chuyện. Bạn thấy cái bồ ấy, chính là nơi khi người đàn bà biết chắc người đang nhờ sự giúp đỡ của mình là quân giải phóng “thì chị chỉ tay vào góc nhà: - Anh núp vào kia đi. Trong cái bồ ấy!"



Khi đọc tập hồi ký này, tôi lại liên hệ tới một sự việc cùng xẩy ra ở miền Bắc cùng xấp xỉ thời gian hồi ký quan tâm. Đó là chuyện khoán của bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc ở Vĩnh Phú. Lịch sử còn chưa xa, thế mà có người hình như đã quên hoặc không trở về đúng với lịch sử khi đó. Lịch sử - cụ thể là một phương pháp cho ta thấy đúng cái đã xẩy ra. Người ta làm phim ca ngợi, người ta viết báo ngợi ca. Đơn cử gần nhất trên báo Văn Nghệ trẻ số 1-2 ra ngày 2 và 9-1 có bài của nhà thơ Trần Quang Quý, nhan đề:”Bi kịch của “triết gia khoán mười”, kể về ông Thiết. Tôi lấy làm lạ lắm, khoán mười chẳng liên quan gì đến khoán Kim Ngọc mà ông Thiết có tham gia. Ngay cả khoán chui trước 1980, khoán 100 năm 1981 cũng chẳng dan díu gì. Tôi đã nói nhiều lần về khoán Kim Ngọc trên nhiều diễn đàn nay nhân thể nói thêm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta là cuộc đối đầu lịch sử giữa hai phe : XHCN và TBCN.

Vì vậy mà cuộc kháng chiến của ta được sự ủng hộ cả vật chất và tinh thần của nhân dân thế giới và trước hết là các nước trong phe XHCN. Tuy nhiệm vụ có lúc khác nhau nhưng giữa hai miền Nam – Bắc có mối quan hệ mật thiết với nhau. Quyết tâm giành độc lập dân tộc đã được khắc lên trên nhiều đỉnh núi” Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!” “Tất cả cho tiền tuyến”. Hợp tác xã nông nghiệp không chỉ là mô hình kinh tế mà còn là mô hình chính trị - quân sự như nhiều người nói. Mô hình đó đang không phù hợp với phát triển kinh tế nhưng rất phù hợp với chiến tranh. Chúng ta đang tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhớ rằng trên chiến trường trước mậu thân chưa có dấu hiệu Mỹ phải rút quân. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu đó bằng cách chuẩn bị tổng tiến công trên toàn chiến trường. Việc đó là quan trọng nhất và cần sự chuẩn bị thật chu đáo và chắc thắng. Mọi người đều biết lới chúc tết năm 1968 của Bác Hồ kết thúc bằng câu: "Tiến lên toàn thắng ắt về ta!" Đó là mệnh lệnh theo nghĩa đen, cả miền nam cùng nổi dậy! Cuộc tiến công, nổi dậy đó tuy chưa đủ giải phóng hoàn toàn miền Nam nhưng buộc Mỹ phải nhìn thấy con đường rút khỏi miền Nam. Cả nước là chiến trường khẩn trương chuẩn bị như thế, trong hoàn cảnh đó, miền Bắc tuy khó khăn nhưng rất yên ổn với cơ sở kinh tế - xã hội chủ yếu là HTX. Không ai dại gì làm khó mình khi đưa ra chủ trương khoán để tăng sản lượng lúa, trong khi phá vỡ cơ sở kinh tế - xã hội đang thuận lợi cho cuộc kháng chiến. Dù có tăng đến cả trăm lần thì cũng không thể giải quyết được lương thực thực phẩm, súng ống, đạn dược cho chiến trường. Tất cả những điều đó, ai ở chiến trường thì biết sự giúp đỡ vô cùng to lớn của Liên Xô, Trung Quốc…Ngay một số tỉnh miền trung như Quảng Bình – Vĩnh linh, một phần Nghệ An, Hà Tĩnh cũng ăn gạo viện trợ. Tóm lại việc khoán của anh Kim Ngọc đáng trân trọng nhưng chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước khi đánh giặc là nhiệm vụ hàng đầu, phát triển kinh tế là thứ hai!



Tập hối ký của tác giả ĐÀO MAI như thêm một minh chứng cho ta thấy một góc nhỏ của chiến trường, trả lời thêm cho việc vì sao khoán của Kim Ngọc chưa được dùng trong thực tế.



Một vài ý kiến trao đổi thêm với các nhà làm sách:



-Thứ nhất, hồi ức hay hồi ký? Hai khái niệm này tuy có chỗ giống nhau nhưng không trùng khít. Tôi nghiêng về tác giả gọi là hồi ký chiến tranh thì đúng hơn.



-Thứ hai, cuốn sách hay rất cần kết cấu hay. Theo tôi nếu kết cấu lại thì cuốn sách dễ đọc hơn. Kết cấu đó là: phần 1 đã in, nên xem là lời nói đầu vì tác giả chỉ nói đến quan niệm viết hồi ký, chưa vào nội dung (phần này không đánh số). Phần 1 bắt đầu từ Bài học đầu tiên…phần 7 là Hồ Kim thanh, riêng phần cuối lời cuối sách (không để phần). Phần phụ lục đặt riêng là mấy bài thơ.



-Thứ ba còn lỗi chính tả, ít nhiều ảnh hưởng đến cảm xúc của người đọc …

Đàn ông và bữa cơm nhà

Bài của Bạch Dương hưởng ứng cuộc vận động viết cho chủ đề ngày quốc tế phụ nữ 8-3 do khối ĐHQG Hà nội tổ chức. (Dành cho các em nữ, nhưng cũng muốn các bạn nam tham khảo).






Đàn ông và bữa cơm nhà.



Có một thực tế: Nhiều người đàn ông được phỏng vấn nói rằng: Ấn tượng ban đầu của người phụ nữ đối với họ chính là vẻ ngoài, nhưng lại không phải là lý do số một để họ chọn cô gái đẹp về làm vợ! Người đàn ông luôn ước muốn có một người vợ biết chu toàn, khéo léo trong việc dạy dỗ con cái và có thể nấu được những bữa ăn bình dân nhưng ngon miệng. Bữa cơm nhà giúp họ cảm thấy được thư giãn, giảm bớt các sức ép do công việc căng thẳng trong ngày, cũng là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, và một yếu tố quan trọng là... đảm bảo vệ sinh.” Tuy nhiên, bữa tối của nhiều gia đình thời hiện đại đang vắng đi bóng dáng đàn ông. Có phải do “bản tính” của họ đã thay đổi, hay quan niệm của họ về gia đình không còn là quan trọng? Nhiều bà vợ thì luôn phàn nàn rằng: "Các ông chồng thích ăn ngoài đường hơn ở nhà, thích ngồi với bạn nhậu hơn là với vợ con". Vậy đâu là nguyên nhân của sự “vắng bóng” ấy?



Về mặt tâm lý: Đa số đàn ông thích được ăn cơm nhà nhưng cũng muốn thỉnh thoảng vui vẻ với bạn bè, thích được thể hiện cái “tôi” qua những lần “nhậu”. Họ không chỉ ăn bằng vị giác mà bằng cả tình cảm.



- Một người đàn ông kể rằng, vợ anh nấu nướng rất ngon, nhưng bữa ăn thường nặng nề bởi vẻ mặt cau có và những lời nói “cao giọng” của chị vợ với con cái về chuyện học hành, hoặc có khi do công việc cơ quan không thuận lợi, chị mang theo cả nỗi bực dọc về “trút” vào bữa cơm (), vì thế nhiều khi anh không thích ăn cơm nhà!



- Một người đàn ông rất thành đạt tâm sự: “Mình về nhà chỉ muốn có bữa cơm canh đạm bạc do chính tay vợ nấu mời chồng vậy mà cũng là xa xỉ. Nhiều khi sợ ăn cơm một mình, tôi ghé ăn đại ở quán bên đường cho qua bữa. Mỗi lần nói chuyện này với vợ thì cô ấy lại không muốn nghe và cho rằng chuyện nữ công gia chánh là lạc hậu, là của người giúp việc. Trông mấy đứa bạn cùng quê mỗi tối quây quần bên vợ con ăn cơm trò chuyện ấm cúng mà buồn cho mình”.



-Người đàn ông khác thì than rằng vợ mình rất nhiệt tình và cởi mở với khách của chồng nhưng nấu ăn thì rất dở, vì thế có khách hoặc người quen đến chơi thì biện pháp an toàn là ra quán!



-Những người khác thì tâm sự rằng, sợ vợ không vui vì phải “hầu” các ông trong khi đi làm về đã quá mệt mỏi nên tốt nhất anh em kéo nhau ra nhà hàng ...



-Nhiều người trong số họ đã thổ lộ thật là không tìm thấy sự ấm cúng, thư giãn trong gia đình, mà nhiều khi phải đối diện với sự mệt mỏi, không khí nặng nề, bữa cơm chỉ là hình thức do vợ làm qua quýt, vì thế người chồng cũng “thưởng thức” qua loa cho xong thủ tục.



Để có được bữa cơm gia đình đầm ấm thì vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Việc nấu những món ăn không cần cầu kỳ, nhưng cách lựa chọn thức ăn cần phù hợp với sở thích các thành viên sao cho vừa tiết kiệm, sạch sẽ và ngon miệng. Chỉ cần người vợ để ý một chút, biết thay đổi món ăn cho phù hợp với khẩu vị của chồng chính là nghệ thuật giữ chồng hiệu quả nhất chứ không phải chỉ là chuyện chăn gối. Đàn ông rất dễ bị rung động trước sự quan tâm chăm sóc dù là rất nhỏ của phụ nữ. Vì thế, việc nấu cơm trong gia đình vừa là bổn phận vừa là quyền lợi của phụ nữ, là dịp để chị em thể hiện sự quan tâm với chồng, con. Cũng là vũ khí để giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình mình.



Nên chăng? Thay vì mải mê chăm chút cho sắc đẹp của bản thân, chị em hãy dành thời gian dọn dẹp cho tổ ấm của mình bằng cách học nấu những món ăn ngon miệng mà chồng mình ưa thích, đó chính là một nghệ thuật giữ chồng đơn giản mà vô cùng hiệu quả. Hãy biết tạo được không khí ấm cúng để người chồng thấy rằng không gì thay thế được bữa tối do bàn tay vợ nấu. Và họ sẽ hãnh diện khi mời bạn bè đến thưởng thức tài năng bếp núc của vợ. Đó sẽ là bí quyết để lôi cuốn, giữ chân người đàn ông luôn nhớ tới tổ ấm của mình. Và cũng để người đàn ông thấy, bữa cơm gia đình không thể thiếu vắng họ.



“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.



Món ăn thât giản dị, đạm bạc nhưng nỗi nhớ ấy bao gồm không chỉ là hợp khẩu vị mà còn chứa đựng cả sự quan tâm, tình thương mến giữa những thành viên của một mái ấm có bàn tay khéo léo, cùng nụ cười, ánh mắt dịu hiền của người vợ khiến bữa cơm thêm phần hạnh phúc.



Bên cạnh đó, nên chăng các quý anh cùng chung tay giúp vợ mình chuẩn bị cho bữa ăn tối? (đặc biệt là những đôi vợ chồng trẻ). Hạnh phúc sẽ nhân lên rất nhiều khi cả vợ và chồng cùng vào bếp, cùng thưởng thức rồi cùng nghỉ ngơi sau một ngày làm việc?



Và… điều quan trọng nữa là: Xin các quý anh (em) hãy chừng mực trong những cuộc “nhậu” vui với bạn bè để các bà xã luôn sẵn lòng đón tiếp và cảm thấy tự hào khi đựơc phục vụ các anh (em) tại tư gia? ()



Chúc mọi người, mọi gia đình cùng tìm thấy hạnh phúc trong mái ấm của mình qua những bữa cơm nhà!



Bạch Dương



Sau đây mời chị em tham khảo thêm tư liệu về thực phẩm có chức năng "hâm nóng" tình cảm trong quan hệ vợ chồng (nên lắm chứ việc bổ sung vào thực đơn hàng ngày cho bữa cơm nhà!)



P/S: Những thức ăn tốt cho đời sống tình dục.



Theo các chuyên gia: Chế độ dinh dưỡng tốt cho đời sống tình dục là ăn uống nhiều loại khoáng chất arginine, kẽm và các chất béo omega-3.

- Tránh sử dụng đường và đồ ăn nhanh có đường, điều này có thể giúp bạn không bị béo lên nhanh chóng, bởi việc bị béo lên nhanh chóng có thể là một trở ngại cho đời sống tình dục của bạn.



- Giảm sử dụng những đồ kích thích như: Trà, cà phê, sôcôla, rượu và thuốc lá. Tăng cường ăn những thực phẩm nhiều dinh dưỡng như hoa quả, rau, đồ ăn tổng hợp, các loại hạt và hạt lúa mì.



Tăng cường lượng khoáng chất arginine đặc biệt có nhiều trong cá, thịt gà tây, gà, đậu, đậu lăng, đậu phụ và các loại hạt khác. Ăn cá ngừ, cá thu, cá trích hoặc cá hồi ba lần 1 tuần. Ăn con hàu vì chúng chứa rất nhiều chất kẽm (tốt cho đàn ông).



- Ăn các loại hạt. Những loại hạt tốt nhất là: Hạt cây lanh, cây gai dầu, bí ngô, hướng dương và vừng.



- Sử dụng các loại dầu thực vật được giữ lạnh. Hãy chọn một loại dầu hỗn hợp có chứa tinh dầu hạt lanh hoặc gai dầu cho món salat, ví dụ như phun loại dầu đó lên rau thay cho bơ.



- Hãy hạn chế tối thiểu sử dụng đồ nướng, những đồ ăn được xử lý và tẩm ướp vì chúng có thể làm giảm hứng thú trong "chuyện ấy".



Những người ăn đồ ăn nhiều chất béo có xu hướng phát phì, điều này có thể là một rào cản trong khi quan hệ và làm tiêu hao năng lượng rất nhanh.



Đi kèm với chế độ ăn khoa học khiến khả năng tình dục trở nên tuyệt vời hơn là tập luyện thể thao. Lựa chọn những môn thể thao phù hợp với sức khoẻ.

Phỏng vấn đầu xuân

Mọi người thì khai bút, mình "trốn" mãi, rồi cuối cùng vẫn phải đối mặt với cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Giáo dục (mình coi đây là lời tự thú đầu năm).


Qua đây mình muốn chia sẻ với bạn đọc, cũng là thể hiện quan điểm sống của mình. Cảm ơn sự quan tâm của quý bạn đọc.



Trong xu thế phát triển không ngừng của xã hội, người ta càng hay nói về "phong cách sống". Chị quan niệm về khái niệm này như thế nào?



Với tôi thì phong cách sống phụ thuộc vào khả năng biết thu xếp cuộc sống sao cho hài hòa giữa việc công và việc nội trợ trong gia đình, tôi luôn có ý chí phấn đấu theo xu hướng phát triển của xã hội nhưng cũng phải biết bằng lòng với những gì mình có. Tôi biết xác định đâu là hạnh phúc của mình. Tôi luôn thấy rất đầy đủ, dù tôi chẳng nhiều tiền bạc. Tôi có may mắn được thừa hưởng từ sự giáo dục của ông bà, bố mẹ nên biết coi trọng những giá trị tinh thần, tình nghĩa. Tôi không quỵ lụy tiền bạc, với tôi tiền rất quý nhưng phải là những đồng tiền do sức lao động cuả mình làm ra, có như vậy mới thấy hết được giá trị của nó và biết sống tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí (nhưng cũng không chi li, bủn sỉn). Tiền giúp tôi làm chủ đời sống, và còn có thể giúp đỡ người khác khi cần.





Quan niệm của chị về gia đình



Tôi rất coi trọng những giá trị truyền thống, tôi có suy nghĩ dù ở bất kỳ thời điểm nào thì những giá trị tuyền thống vẫn giữ nguyên giá trị. Tôi có may mắn được học tập, nghiên cứu và làm việc một thời gian khá dài ở những quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhưng tôi nhận thấy ở đó mọi người đều có nhu cầu hướng tới mục đích là có một gia đình hạnh phúc. Tôi luôn đề cao vai trò của chị em phụ nữ trong việc xây dựng một mái ấm hạnh phúc và đương nhiên để chị em phụ nữ làm tốt thiên chức của mình thì không thể thiếu sự giúp đỡ của phái mày râu.



Tôi nghĩ một người dù có thành đạt, giàu có đến đâu di chăng nữa, nhưng gia đình không hạnh phúc, con cái hư hỏng thì cũng chỉ là số 0!



Theo tôi thì để nuôi một đứa trẻ không khó, chỉ cần bản năng và kinh nghiệm thì mẹ nào cũng có thể nuôi con được, nhưng dạy là một chuyện khác, phải dựa vào vốn sống. Trẻ em hư hỏng đều do sự giáo dục của người lớn, bắt đầu từ những thành viên trong gia đình, những người ông, người bà, bố mẹ...phải thực sự là những tấm gương có vốn sống tốt cho con trẻ. Tôi không tin vào câu lý thuyết:" Cha mẹ sinh con, trời sinh tính!"





Với chị thì người phụ nữ hiện đại cần có những đức tính nào?



Quá trình giải phóng phụ nữ đã tạo điều kiện cho người phụ nữ nói chung và bạn gái nói riêng bước ra ngoài phạm vi gia đình và công việc nội trợ, tham gia vào các họat động xã hội và bình quyền với nam giới trên mọi lĩnh vực. Từ đó đã hình thành những tính cách mới trước đây chưa hề có ở người phụ nữ: họ trở nên tự nhiên hơn trong quan hệ tiếp xúc với người khác giới, cởi mở, linh hoạt hơn trong giao tiếp xã hội.



Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là "giới tính đang bị xóa nhòa". Bạn gái trẻ nói riêng (và người phụ nữ nói chung) vẫn cần có những tính cách gì riêng để...vẫn là nữ giới. Người bạn gái lý tưởng ngày nay ngoài vốn tri thức đã có còn cần thêm những đức tính truyền thống của phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa, tiêu biểu là những đức tính: Dịu dàng, duyên dáng, đức hy sinh, vị tha, khiêm tốn, ngăn nắp, gọn gàng, quán xuyến nội trợ, tiết kiệm và đặc biệt là lòng chung thủy. Tôi rất thích câu ca dao trước đây mẹ hay ru chị em tôi khi còn nhỏ: "Chồng tôi áo rách tôi thương, chồng người áo gấm xông hương, mặc người!"



Chị thường xả stress bằng cách nào? Vì sao?





Với tôi sẽ là vào bếp. Nấu ăn ngon chẳng những mình được thưởng thức, mà niềm vui sẽ nhân lên khi người thân của mình cũng khoái khẩu. Hoặc đan lát, may vá là những công việc khiến tôi quên hết mọi chuyện trên đời, những lúc đó tôi có cảm giác như được thiền!



Tôi không thuộc tuýp phụ nữ đi spa, đến thẩm mỹ viện để giải trí, làm đẹp. Ngồi một chỗ cho người khác phục vụ: gãi đầu hay đánh móng chân móng tay, tôi thấy mất thì giờ.





Chị là người làm chủ được cuộc sống. Những công việc không thể thiếu của chị mỗi ngày?





Thể dục buổi sáng, uống sữa đậu nành và món ăn ngon do tự tay mình nấu, ngâm chân nước ấm, đọc báo, nghe nhạc. Tất nhiên công việc chuyên môn ở trường thì không thể bỏ qua được rồi.





Nguyên tắc sống chị muốn giữ cho riêng mình là gì?





Tôi luôn xác định mình là người cho chứ không phải người nhận, nên tôi thích giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khác. Với bản thân, tôi đơn giản, thích gần thiên nhiên, thích hoạt động thể chất, thích tìm hiểu tự nhiên và khoa học xã hội. Tôi cũng biết tự chăm sóc mình, cho mình cái quyền làm những gì mình thích và hưởng thụ những gì tôi có. Khi tự tin và say sưa với chính mình, mới có thể truyền niềm vui sống sang người khác được.





Chị có điều gì muốn nhắn gửi cho chị em cùng giới?





Tôi muốn mọi người hãy biết chăm sóc bản thân bằng thể dục, kết hợp với chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi, thư giãn khoa học và điều độ, có sức khỏe thì sẽ có tất cả. Không gì vui hơn là khi ta được sở hữu một cơ thể khỏe mạnh cộng thêm vẻ đẹp lấp lánh của tri thức và một tâm hồn biết chia sẻ với cộng đồng. Làm được như vậy bản thân chị em sẽ tự tin để làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội.

Bàn về lời cảm ơn

Việt nam mình cũng rất ít khi nói "cảm ơn". Chuyện này cứ lặp lại nhiều lần, và gần như là một thói quen cố hữu của người Việt. Trong xu thế hội nhập, việc giao lưu văn hóa là điều không tránh khỏi. Nếu thói quen này vẫn tồn tại sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con người và đất nước Việt trong mắt người nước ngoài. Bạch Dương xin có một vài ví dụ để chúng ta cùng suy ngẫm:




Chuẩn bị cho cuộc hội thảo, một anh bạn người nước ngoài rất nhanh nhẹn hỏi mọi người: "Có anh hay chị nào cần uống nước, tôi mang vào giúp?"



Cả phòng có nhiều người nói "yes" (nhưng không kèm theo "please"), còn người trả lời "no" ( thì không kèm theo "thanks").



Sau hội thảo, anh bạn nói với tôi: "Mình thấy bị sốc và lấy làm rất lạ là tại sao người VN không nói cảm ơn. Người nói "yes" thì thiếu "please", còn người trả lời "no" thì không kèm theo chữ "thanks"?



Tôi chỉ biết cười buồn và giải thích với bạn rằng: " Người VN từ nhỏ trẻ em không được hướng dẫn như vậy".



Tôi xin ví dụ bằng hai câu chuyện có thật :



•1- Tôi hỏi Bống: " Con có ăn bánh mỳ không?"



Bống trả lời: "Con không ăn ạ!" (như vậy với người Việt đã là ngoan rồi), nhưng không, với tôi thì Bống phải trả lời đầy đủ thế này: "Con cảm ơn bà, con không ăn ạ!"



2- Trong chuyến đi công tác, vì chỉ có mình tôi là nữ nên mấy anh nhận mang xách hàng giúp, tôi cảm ơn thì các anh nói: "Em khách sáo quá! Có thế mà cũng phải cảm ơn!"



Trong trường hợp này thì lời cảm ơn bị từ chối và từ khách sáo lại bị dùng sai! Buồn thật!



Vì quan niệm như thế nên chúng ta ngại nói lời cảm ơn và dẫn đến hình ảnh không hay trong mắt của người nước ngoài. Chúng ta có thể làm được gì để cải thiện hình ảnh đó không?



Hãy dạy cho con trẻ biết nói cảm ơn từ khi còn nhỏ, cả lúc nhận lẫn lúc từ chối lời mời. Việc này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ em, nhất là giúp trẻ tránh được thái độ vô ơn.



Viết những dòng này lòng tôi chỉ muốn nhắn gửi tới mọi người mong muốn: Hãy làm đẹp cuộc sống bắt đầu từ những điều nhỏ nhất đang hiện hữu xung quanh cuộc sống của mỗi chúng ta để xã hội sẽ có thêm nhiều hành vi và thói quen tốt xuất phát từ mỗi gia đình. Gia đình tốt thì xã hội sẽ tốt.







--------------------------------------------------------------------------------

"Thày lang" của tôi

Bài viết tặng các bạn tôi. Một kỷ niệm đẹp về ngày 20-11-2010








Thời tiết Hà nội thay đổi nên chục ngày qua tự nhiên tôi bị ho, những cơn ho rũ rượi khiến tôi mệt vô cùng. Biết là không có hiện tượng viêm vì không sốt, nhưng theo lời khuyên của cô trò cũ nay đang làm việc ở Bệnh Viện Bạch Mai, tôi cũng lên đó để cho em làm các xét nghiệm, chụp chiếu cho cẩn thận. Kết luận cuối cùng là do dị ứng thời tiết. Cô trò của tôi còn nói: "Ông xã của em còn bị ho hàng tháng rồi tự nhiên hết cô ạ". Tôi nghe mà phát hoảng vì mới có mấy ngày mà tôi đã mệt mỏi, tức hết cả ngực thế này, công việc bỏ dở, nếu hàng tháng trời thì tôi biết làm sao đây?



Mặc dù tôi uống, ăn rất nhiều bài thuốc Đông-Tây y kết hợp nhưng những cơn ho bất chợt về đêm vẫn không dứt.



Sáng thứ bảy 20-11. Vì là ngày nhà giáo Việt nam nên tin nhắn và điện thoại chúc mừng liên hồi, nhiều người muốn đến thăm vì nghe tin tôi bị ốm, nghĩ đã chúc mừng nhau ở trường từ hôm trước rồi, ngại trả lời nên tôi đành tắt cả hai máy cho yên tĩnh. Sau khi ăn sáng, như những ngày nghỉ cuối tuần bình thường, tôi vào mạng đọc báo rồi vào blog của mình, bất ngờ nhận được lời trách của Thanh Thủy: "Giời ạ! Sao cứ tắt máy thế? Minh Hương từ Đà nẵng ra rất muốn gặp mà không sao liên lạc được! Hu, hu".



Tôi bèn nhắn trên blog: "Mình vẫn còn ho nên mệt không muốn đi đâu. BD trân trọng kính mời hai bạn sang nhà mình chơi hôm nay rồi làm phở cuốn? Mình ở nhà 24/24 không đi đâu. "



Sau đó tôi mở máy nói chuyện với Thanh Thủy và Minh Hương, đang nói chuyện với Minh Hương thì tôi lại ho.



Minh Hương nói: "Bạn đi mua củ cải trắng đi nhé, mình sẽ mách bạn bài thuốc rất tốt, biết đâu hợp bạn sẽ đỡ."



Trưa hôm đó sau khi chia tay các anh bloger Hà nội, đúng 2 giờ Thanh Thủy và Minh Hương đến nhà tôi chơi theo lời mời của tôi, cùng đi có cả anh Tùng Minh. Tôi có ý định đãi bạn mình một bữa phở bò cuốn nhưng ra chợ mua thì hết bánh, đành rẽ vào một nhà hàng mua tạm một ít, đang cân nhắc xem ngoài phở cuốn tôi còn muốn bạn được thưởng thức những món ăn mang hương vị Hà nội nhưng chưa nghĩ ra món gì.



Chợt nghĩ: Bạn mình đi lại mấy ngày nay, sẽ mệt, trưa nay chắc là các anh đãi món gì đó sẽ nhiều đạm rồi, tôi quyết định làm món bún thang cho bạn ăn đỡ ngán và theo như trong sách thì món này có tác dụng tăng cường sinh lực, đặc biệt tốt cho những người vừa uống rượu xong hoặc đi đường dài (công việc chuẩn bị rất nhanh nhưng chỉ còn thiếu giò lụa và thịt gà vì trưa muộn, mọi người đã nghỉ không bán hàng, phải chờ đến chiều mới mua được).



Chuyện trò ríu rít hàn huyên một hồi, Minh Hương giúp tôi làm bài thuốc chữa ho gồm củ cải trắng thái lát mỏng trộn với đường còn tôi đi chợ mua giò và thịt gà.



Hàng tuần lễ mệt mỏi tôi không rời bước ra khỏi nhà, vậy mà khi có bạn đến chơi, người tôi khỏe và nhanh nhẹn đến lạ thường, món bún thang không khó nhưng kỳ công ở chỗ trứng tráng phải thật mỏng, mọi nguyên liệu đều phải thái chỉ, nhưng có lẽ do vui nên tôi thao tác rất nhanh, sau hai tiếng đồng hồ, chúng tôi được ngồi quây quần bên nhau, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả.



Đúng 5 giờ tôi gọi xe đưa Minh Hương lên đường vào Đà nẵng, trước khi đi Minh Hương còn dặn tôi: "Cố ăn củ cải nhé!", và tôi nghiêm túc thực hiện lời dặn của bạn, đêm đó tôi được ngủ một giấc trọn vẹn vì không có một lần ho, đến hôm nay tôi đã hết ho hẳn và đi làm trở lại, không hiểu vì do tôi hợp với món củ cải trắng trộn với đường hay do bạn Minh Hương của tôi mát tay, chỉ biết rằng, tôi đã khỏi ho sau khi ăn hết bát củ cải do bạn Minh Hương tự tay chế biến.



Cuộc gặp của chúng tôi chỉ kéo dài trong vòng ba tiếng, vừa chuyện trò, vừa nấu cho nhau ăn, nhưng đây là một kỷ niệm đẹp sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi về một ngày 20-11 do những người bạn từ thế giới ảo, nhưng tình cảm thì chân thật và ấm áp mang lại cho tôi. Cảm ơn các bạn của tôi (trong đó có Thanh Thủy cũng là một đồng nghiệp với tôi), cảm ơn Bà lang Minh Hương đã cho tôi một bài thuốc chữa ho rất hiệu nghiệm: Củ cải trắng thái mỏng trộn với đường.



Tôi cũng muốn ai đó đang ho, hãy thử xem!











Thanh Thủy-Bạch Dương-Minh Hương.







Thanh Thủy-Bạch Dương-Tùng Minh

ẢO THẬT - BUỒN VUI

(Cảm tác của HoaHuyền khi đọc bài của BD)



Ảo - thật - buồn - vui tại chính ta

Ân tình kết nối khắp gần xa

Thơm Hương Đà Nẵng không kênh kiệu (Minh Hương)

Chung Thủy Đông anh chẳng điệu đà (Thanh Thủy)

New York lên đồng bung nốt nhạc (Thanh Chung)

Pa ri xuống tóc giục lời ca (Nico)

Năm châu bằng hữu như gần lại

Bốn biển anh em một nóc nhà



Hoahuyen













Gặp Nico (Từ Pari về Việt nam)-Tại nhà hàng bánh tôm Hồ Tây. Nguồn ảnh từ nhà anh Lê Trường Hưởng



Hàng trên: Từ trái sang: Hà Đình Chung-Mỵ Duy Sơn-Bạch Dương-Nico-Thanh Thủy-Hạnh Duyên -Cô giáo Bình (bạn của Thanh Thủy)



Hàng dưới: Tuấn phong-Hồ Văn Thiện-Phan Chí Thắng-Ngọc Du-Văn Long-Xuân Lợi-Thanh Cao-Phạm Thanh Khương-Lê Trường Hưởng.











Bạch Dương và Thanh Chung bên Hồ Gươm (Hè 2010)









.Sau đây là một số thông tin bổ ích từ củ cải, Bạch Dương xin chia sẻ với bạn đọc:



Theo Đông y, củ cải tươi sống có vị cay, tính mát. Củ cải nấu chín vị ngọt, tính bình, quy kinh phế và vị. Củ cải có công dụng chữa nhiều bệnh khác nhau.



Củ cải trắng là củ của cây cải củ. Cải củ ngoài cách dùng củ làm thức ăn còn dùng lá (để luộc, muối dưa). Củ cải được chế biến tương đối nhiều món: thái mỏng muối dưa, luộc ăn uống nước, kho với thịt, xào với trứng hoặc thịt, nấu canh, làm gỏi, ngâm nước mắm thành món dưa ngâm, ăn quanh năm, phơi khô dự trữ để làm dưa góp.



Củ cải có nhiều tính năng, công dụng. Tập trung nhất vào nhóm chữa bệnh ở bộ máy hô hấp (ho, hen, đàm, suyễn, tức ngực, khản tiếng, mất tiếng, ho ra máu, lao) và bệnh ở bộ máy tiêu hóa (như đau vùng thượng vị, ợ chua, nôn, ăn không tiêu, chướng bụng, táo bón, lòi dom, trĩ).



Ngoài ra còn chữa một số bệnh ở bộ máy tiết niệu do thấp nhiệt (tiểu ít, tiểu dắt, buốt, tiểu đục, có sỏi; chữa một số bệnh chuyển hóa (béo, trệ, đái tháo đường...); bệnh về máu (hoạt huyết, chỉ huyết chống chảy máu khi đại tiểu tiện, lao); còn có công dụng đặc biệt là giải độc như khi bị ngộ độc khí độc do than, gas, độc của rượu, cà, hàn the và ngộ độc nhân sâm.



Theo y dược học hiện đại, cứ 100g củ cải có: nước 93,5g, protein 0,06g, chất béo 0,1g, đường tổng số 5,3g chủ yếu là các loại đường dễ hấp thụ (glucose, fructose); những chất khoáng cần cho cơ thể như canxi 32mg, photpho 21mg, sắt 0,6mg, mangan 0,41mg, bromine 7mg...; các vitamin nhóm B như B1 0,02mg, B2 0,03mg, niacin 0,3mg, vitamin C 25mg và nhiều loại axit amin.



Chúng tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm dùng củ cải làm thức ăn và thuốc:



Hóa đờm, lợi khí, giảm ho, bổ tỳ. Có thể dùng một số món ăn bài thuốc (bánh củ cải) sau:



Bài 1: Củ cải trắng, bột mỳ mỗi thứ 500g, bột ngọt 2g, tiêu bột 1g, dầu cải 50g, muối 5g, dầu vừng 15g, thịt 300g.



Củ cải rửa sạch bào sợi, xào xơ bằng dầu cải rồi cho bột ngọt, muối, tiêu, thịt trộn để làm nhân bánh.



Bài 2: Củ cải trắng 250g, gừng tươi 15g, dầu cải 50g, bột mỳ 250g, hành 15g, thịt heo nạc 100g, muối 3g. Làm như trên.



Bài 3: Củ cải trắng 125g, hành trắng (bỏ lá xanh) 50g, trứng gà 60g, vừng 5g, bột mỳ 500g, đường 50g, muối 60g, bột ngọt 5g, dầu vừng 25g, mỡ. Làm như trên.



Nguồn: Internet



Bổ sung thêm bài thuốc trị ho của anh Hà Đình Chung, mời bạn đọc tham khảo:



Chữa ho nhiều đờm: Củ cải trắng 1kg, lê 1kg, gừng tươi 250g, sữa, mật ong mỗi vị 250g. Lê gọt vỏ bỏ hạt, củ cải, gừng tươi rửa sạch thái nhỏ. Cho từng thứ vào vải xô vắt nước để riêng.

Đổ nước củ cải, lê đun to lửa cho sôi, bớt lửa cho đến khi đặc dính thì cho nước gừng, sữa, mật ong vào quấy đều đun sôi lại.

Khi nguội cho vào lọ đậy kín dùng dần, mỗi lần một thìa canh pha vào nước nóng để uống. Uống ngày hai lần.



Chữa lở loét trong miệng: Lấy 3-5 củ cải trắng, giã lấy nước để ngậm. Mỗi lần ngậm 5-10 phút, ngậm 5-7 lần trong ngày, làm trong 2-3 ngày.

Trị khản tiếng: Lấy 3 củ cải trắng và 1 nhánh gừng tươi, rửa sạch, giã nhỏ gạn lấy nước để uống, uống trong 2 ngày.



Anh cũng chữa được ho đấy .

Bà xã còn thái thành miếng ,xâu thành chuỗi đem phơi xe khô,dã lấy nước .Trộn với mật ong +gừng.

Uống khoảng chục thìa = Khỏi ngay.



Viết bởi hadinhchung - 05 Dec 2010, 22:14

Bạn gái - Đôi điều chia sẻ

Bạn gái-Đôi điều chia sẻ


Chùm bài viết của Bạch Dương hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu về phong cách Thanh-Lịch của người phụ nữ Thủ đô do khối ĐHQG tổ chức. Bạch Dương đã lần lượt giới thiệu sáu bài trước trên vnweblogs.com.



Bài thứ bảy:( Bài viết cho các em nữ, cũng là món quà của cô giáo dành tặng cho các em giáo sinh nữ ĐHSP nhân ngày 20-11)



So với các thế hệ phụ nữ trước kia, có lẽ chưa bao giờ người con gái Việt Nam đạt đến tầm cao trí tuệ thông minh và sắc sảo như phụ nữ bây giờ. Không ít cô gái ở độ tuổi 30 nhưng đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, có người đã đảm đương những chức vụ chủ chốt trong doanh nghiệp hoặc có vị trí cao trong xã hội.



Nhưng, nhiều cô gái thời nay đánh mất đi, nói đúng hơn là làm mai một đi một số điều mà một người phụ nữ cần có, đó là một sự thật đáng tiếc!













Những kết quả khảo sát về tâm lý học và xã hội học gần đây cho thấy: Phần lớn các bạn trẻ nữ vụng về trong việc bếp núc, ngại nấu ăn. Không cần biết đến đường kim mũi chỉ, không biết cách trang trí dọn dẹp nhà cửa sao cho gọn gàng ngăn nắp. Chính vì lẽ đó nên một nhà thẩm phán tòa án dân sự cho biết những năm gần đây số lượng cuộc ly hôn xảy ra ở những đôi vợ chồng trẻ mới lấy nhau được 2-3 năm có mật độ khá dày mà nguyên nhân đổ vỡ chỉ vì những chuyện lặt vặt trong nhà. Nhiều người phụ nữ không biết cách chi tiêu, thu nhập cao nhưng chưa hết tháng đã hết tiền, nhà cửa bừa bãi, con cái nhếch nhác bẩn thỉu, vợ chồng sinh ra cãi cọ, xúc phạm lẫn nhau tình cảm vợ chồng sứt mẻ không thể hàn gắn được nữa.



Có một thực tế là nếp sống quá hiện đại đã làm một số bạn trẻ quên đi vẻ thùy mị, dịu hiền tươi tắn của người con gái. Có bạn tiết kiệm cả lời nói đến nụ cười, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lùng cau có, đi đâu về nhìn thấy khách của cha mẹ chỉ gật đầu chào khẽ rồi vội vàng đi về phòng riêng, hoặc chào khách nhưng kèm theo lời chào là vẻ mặt "lạnh như tiền"!. Ngày xưa những cử chỉ như vậy được các cụ gọi là "hãm tài", ngày nay được gọi là "ứng xử thiếu văn hóa!". Những bạn đó đã quên mất một trong tứ đức của người con gái đó là chữ DUNG (dung nhan tươi tỉnh chứ không phải là dung nhan được tô vẽ trang điểm cầu kỳ!).



Một điều đáng tiếc nữa là cách nói năng: Trong khi miền Bắc có từ "vâng" duyên dáng nhẹ nhàng, miền Trung và miền Nam có tiếng "dạ" ngọt ngào và dễ thương, bây giờ những từ ấy được nhiều bạn nữ thay thế bằng tiếng "ok" một cách tùy tiện và xen vào trong câu nói coi như "mốt" nghe thật vô cảm và cộc lốc!



Trong một hội thảo về xã hội học, một nhà nghiên cứu về xã hội học đã tâm sự: "Các cô gái hiện đại hình như đang đánh mất đi cái gì đó rất khó diễn đạt thành lời? Phải chăng đó là vẻ mềm mại dịu dàng, duyên dáng rất đặc trưng của người con gái Việt Nam nói riêng và phụ nữ Á- Đông nói chung. Nhiều bạn mặc trang phục hở hang, khêu gợi, trang điểm quá cầu kỳ mà theo nhiều người đánh giá: "Làm cho người khác có cảm giác thấy sợ vì đó không phải là bộ mặt thật của một người phụ nữ bình thường mà là bộ mặt của một diễn viên tuồng chuẩn bị bước lên sân khấu!".



Có những loài hoa được nhiều người yêu thích không chỉ vì màu sắc rực rỡ và mùi hương thơm ngát dịu dàng của loài hoa ấy! Một người con gái được nhiều người quý mến và ngưỡng mộ không chỉ vì sắc đẹp trời cho mà còn vì cả lời ăn tiếng nói mặn mà đằm thắm, cử chỉ dịu dàng thùy mỵ. Đó là nét duyên của người con gái mà bất kỳ bạn gái nào cũng cần phải có và có thể làm được.



Hãy cố gắng trở thành một bạn gái có duyên bạn nhé! Chúc bạn thành công và luôn là hình ảnh đẹp trong lòng mọi người.

Lợi ích của tắm chân

Năm 1993, mình được xếp nhà ở cạnh một đôi vợ chồng người Hoa dạy cùng trường, buổi tối mình hay sang nhà anh chị chơi và giao lưu (dĩ nhiên là bằng tiếng Nga), có một điều đặc biệt là tối nào cũng thấy hai vợ chồng họ ngâm chân nước ấm. Mình hỏi thì anh chị giải thích là rất tốt cho tim mạch, huyết áp, thần kinh và chống cảm mạo. Nghe có lý vì xem phim Trung quốc, mình cũng thấy những ông hoàng bà chúa có thiếu gì thuốc quý, cao lương mỹ vị đâu, nhưng tối đến là ai cũng phải ngâm chân!








Vậy là mình kiên trì tạo và giữ được thói quen ấy cho đến bây giờ và chắc là sẽ giữ mãi về sau! Không biết có phải do thói quen ngâm chân nước ấm không nhưng mình ít bị ốm vặt và đặc biệt là không bị nhức đầu, ngủ rất ngon giấc.



Hôm trước lên mạng chát với Thanh Chung, thấy em kêu dịp này cuối năm công việc căng thẳng nên bị mất ngủ, mình khuyên em chịu khó ngâm chân nước ấm mỗi tối, trước khi đi ngủ, sẽ có một giấc ngủ tốt và đây cũng là một trong những bí quyết "chẻ rai" của Từ Hy Thái Hậu (vế sau cũng quan trọng ra trò! Hì, hì.), cách đây vài hôm, Thanh Chung khoe:" Em đã học chị thói quen ngâm chân, thấy ngủ rất ngon và quên hết sự đời! Bây giờ cứ mỗi khi ngâm chân em lại nhớ đến chị!"



Cách đây hai hôm, chị bạn cùng khoa với mình kể chuyện có hiện tượng mất ngủ và đau ở đỉnh đầu, mình cũng tư vấn chị nên ngâm chân nhưng nhớ pha thêm chút gừng tươi ngâm với rượu rồi pha vào nước. Hôm nay chị khoe đã hết đau đầu, ngủ ngon, lại không thấy đau đầu gối như mọi khi nữa.



Vậy là mình vô tình trở thành bà lang tư vấn...ngâm chân nước ấm!



Mình cũng đang vừa ngâm chân vừa gõ những dòng này và hy vọng ai đó đang có chứng mất ngủ hoặc đau đầu, đau thần kinh tọa (dĩ nhiên là ở thể nhẹ, mới chớm), hãy thử xem!





Một số thông tin về lợi ích của việc ngâm chân nước ấm:



Tắm chân để bảo vệ sức khỏe



Cần massage chân sau khi ngâm chân trong nước ấm.

Việc tắm chân (ngâm chân trong nước ấm) có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, ảnh hưởng rất tốt đến thần kinh và trí não. Phương pháp dưỡng sinh cổ truyền này cũng giúp phòng và chữa một số chứng bệnh như đau đầu, mất ngủ, cảm mạo, suy nhược thần kinh...

Theo Đông y, bàn chân là gốc của cơ thể, có hơn 60 huyệt. Nó tham gia vận hành khí huyết, liên hệ với lục phủ ngũ tạng, nối liền các bộ phận quan trọng. Vì vậy, việc bảo vệ chân, nhất là ngâm chân trong nước ấm, rất hữu ích đối với sức khỏe. Trong dân gian lưu truyền kinh nghiệm "dưỡng thụ hộ căn, dưỡng nhân hộ cước", nghĩa là nuôi cây thì bảo vệ gốc, nuôi người bảo vệ chân.



Y học hiện đại coi bàn chân là trái tim thứ hai, dưới bàn chân có nhiều đầu mút thần kinh thông với đại não. Chân nằm ở đầu mút của cơ thể, cách xa tim nên được cung cấp máu ít; máu được lưu thông ở đây cũng tương đối chậm. Vì vậy, hai bàn chân dễ bị lạnh, khiến cho nhiệt ở đường hô hấp và khoang bụng giảm, sức đề kháng giảm.Việc kiên trì tắm chân bằng nước ấm sẽ giúp giữ nhiệt cho cơ thể, kích thích các đầu mút thần kinh phản xạ đến vỏ đại não, tăng tuần hoàn máu, điều chỉnh chức năng và trạng thái sinh lý của các tổ chức trong cơ thể.



Cách tắm chân



- Ngâm chân sau khi ăn một giờ. Sử dụng nước ấm 40-50 độ C (cảm thấy ấm là được). Trong quá trình tắm, thỉnh thoảng cần cho thêm nước nóng để giữ nhiệt. Nên cho thêm các cây hương liệu để chữa các bệnh như cảm mạo, cao huyết áp, mất ngủ, suy nhược thần kinh, thống kinh...



- Ngâm cả hai bàn chân trong 10-15 phút. Sau đó dùng tay massage hai chân (mu bàn chân trước, lòng bàn chân sau), động tác phải nhẹ nhàng, liên tục. Động tác này có tác dụng làm giãn nở mạch máu, giúp máu lưu thông tốt, đầu mút thần kinh được hưng phấn, tuần hoàn máu tăng nhanh, chữa đau đầu, mất ngủ, hay gặp ác mộng và các trạng thái thần kinh xấu khác.



- Dùng khăn khô lau sạch hai bàn chân. Chú ý tránh gió.



Người già, trẻ em và người ốm cần có người khác bên cạnh khi tắm chân. Trong quá trình tắm, nếu thấy người khó chịu thì phải kết thúc ngay.



Lưu ý: Tuyệt đối không được ngâm chung trong một chậu nước , vì như vậy có thể bệnh của người này lây truyền sang cho người khác qua các huyệt ở dưới gan bàn chân.Chỉ ngâm chân sau khi đã tắm,như vậy gan bàn chân sẽ không bị nhiễm lạnh.







Sức Khỏe & Đời Sống (theo Sức Khỏe của Trung Quốc)

Những sự kiện gây sốc cho mình

Lời tâm sự với mình


Những "sự kiện" gây "sốc" cho Bạch Dương năm 2010



Mình không tin vào bói toán, nhưng nhân buổi hội ngộ đầu xuân 2010, anh bạn đồng nghiệp cùng khoa- người nổi danh về "chiêm tinh" vận mệnh cho mỗi người tự nhiên phán: Năm nay đầu năm của em rất tốt, sẽ xuất ngoại ( không tin lắm), nhưng từ giữa đến cuối năm sẽ có một số chuyện buồn lấy đi của em không ít nước mắt (thấy lo). Năm cũ sắp qua, ngẫm lại mình thấy anh nói khá là đúng.



Tháng 4-2010, tự nhiên được "lệnh"chu du qua ba nước: Mỹ, Uc, Hàn quốc trong vòng có hơn hai tháng, thời gian tuy ngắn nhưng mang lại cho mình nhiều điều lý thú và thu hoạch được nhiều vấn đề bổ ích trong chuyên môn.

















Từ giữa đến cuối năm có ba sự kiện làm mình bị xáo trộn tâm lý và buồn không ít ngày:







•1- Sự ra đi của chị Hạnh (vợ của anh Hoàng Đình Quang): Mặc dù thời gian gần và tiếp xúc với chị tuy không nhiều nhưng để lại cho mình những ấn tượng khó phai, chị là người "khai hóa" cho mình về việc "hội nhập" với phong cách làm việc, cách ứng xử với sinh viên và đồng nghiệp ở "nhà" mình sau hơn hai mươi năm mình đã quá quen với cuộc sống, học tập và làm việc ở "xứ người". Bây giờ mỗi khi có những tình huống ứng xử liên quan đến lời khuyên của chị, mình vẫn thấy nao lòng và thầm cảm ơn chị đã cho mình vốn tri thức trong "sách không chữ" của cuộc đời. Mình luôn day dứt vì chưa kịp cùng chị đi Côn sơn vào tháng 8-2010 như lời hứa đầu năm với chị và lời hẹn khi nào chị khỏe sẽ mời chị cùng tham gia làm dự án! Biết tin chị mất, mình khóc tu tu như một đứa trẻ. Sự ra đi của chị làm mình vừa thương vừa tiếc nuối. Cầu cho hương hồn của chị được an nghỉ ở cõi vĩnh hằng.







•2- Cô bạn thân nhất của mình vừa quyết định lên xe hoa lần thứ hai. Bọn mình chung bàn, chung lớp từ lớp một đến hết cấp 3 (nay là PTTH), hai đứa có hoàn cảnh giống nhau, nhà mình và nhà bạn đều có bốn chị em, ba mình và ba của bạn cùng là bộ đội, cùng đi B biền biệt (dài hạn). Trưởng thành bạn xây dựng gia đình muộn (vì thày bói nói là cao số nên phải lấy chồng muộn, nhưng tránh trăm đường không khỏi số, sau 20 năm chung sống, anh chồng dứt khoát rũ áo ra đi theo tiếng gọi của tình yêu mới với cô bé chỉ đáng tuổi con!). Từ đó cứ cuối tuần, mình hoặc bạn đến nhà nhau nấu ăn, "buôn" đủ thứ chuyện xoay quanh công việc, gia đình, cuộc sống. Bạn thề nguyện là sẽ đoạn tuyệt với đàn ông, vậy mà cách đây hai tuần bạn "mang" anh ấy đến giới thiệu với mình, tuần sau sẽ tổ chức lễ thành hôn!



Mừng cho hạnh phúc của bạn nhưng mình không khỏi buồn vì từ nay sẽ ít có cơ hội "đàn đúm" như trước. Mình luôn cầu mong người bạn dịu dàng và cởi mở của mình sẽ đón nhận được niềm vui và hạnh phúc như mong đợi!





































•3- Bống về ông bà nội để đi nhà trẻ: Hai năm nay (trừ những dịp đi công tác xa nhà), mình và Bống như hình với bóng, ngày ngày nhìn thấy nhau, trò chuyện, âu yếm, con bé cũng nghiện mình, mỗi tuần bố mẹ bé cho phép mình được "mượn" hai tối để ngủ cùng. Bỗng "nhà nội" đón về cho bé đi mẫu giáo, vẫn biết rằng việc đi mẫu giáo là cần thiết nhưng cảm giác hụt hẫng khiến mình không chịu nổi, Bống lấy của mình không biết bao nhiêu nước mắt vì nhớ! Bây giờ xa nhau biền biệt cả tuần, chỉ được gặp nhau cuối tuần thôi! Hu, hu.

Văn hóa điện thoại

Bài viết cho bạn .


Từ trước đến nay chúng ta đã nói nhiều về các giá trị văn hoá cổ truyền. Còn cách ứng xử với những giá trị văn hoá hiện đại như: máy vi tính, laptop, điện thoại di động thì hình như ít được quan tâm?



Chủ đề lần này của mình sẽ nói đến văn hoá điện thoại di động.

Điện thoại di động là phương tiện liên lạc và kết nối mọi người dù ở bất kì nơi đâu. Với kiểu dáng thời thượng nó cũng có thể là trang sức làm nổi bật hình ảnh bên ngoài của người sử dụng. Nhưng đôi lúc có thể gây cảm giác khó chịu cho người khác nếu chủ nhân không cẩn trọng khi sử dụng nó. Khi ấy điện thoại không còn giá trị văn hóa mà lại là phản văn hóa.



Không là người nặng nề về hình thức và cũng do tính hay quên nên điện thoại của mình không phải là đồ trang sức hợp thời trang, điện thoại với mình chỉ mang giá trị sử dụng: Nghe, nói và nhắn tin trong những trường hợp cần thiết (tuyệt nhiên không khi nào có tình trạng "nấu cháo" về những lĩnh vực không liên quan đến cuộc sống hay công việc của mình). Cũng không khi nào mình nhắn tin hay điện thoại trước 6 giờ sáng hay sau 9g30 tối (trừ trường hợp với người thân hoặc trao đổi công việc thật cần thiết) .



Vậy đấy nhưng đã không ít lần mình " bị tai nạn" và mất ăn mất ngủ vì những cú điện thoại ngoài ý muốn do khách quan mang lại.



Trong một chuyến đi công tác, chưa kịp" hoàn hồn" vì vẫn còn mệt sau một hành trình bay bị trễ giờ, lúc đó đã là hơn mười một giờ đêm. Điện thoại của mình báo có tin nhắn: " Chuẩn bị tinh thần đi! Anh sẽ phạt nặng em đấy!".



Biết là số lạ và nghĩ là tin nhắn "rác" nên mình không quan tâm. Từ đó đến hơn 2 giờ sáng mình liên tục nhận được 4 tin nữa, vẫn nội dung ấy, lúc này thì mình không thể không lục tìm trong trí nhớ xem có làm gì phiền hà với ai không? Mình tự tin là không.



Sáng hôm sau mới hơn 5giờ sáng, số máy đó điện thoại lại, khi mình nghe máy thì đầu kia tắt, mình gọi lại hai lần thì không thấy bắt máy.













Không thể kiên nhẫn hơn, đành điện thoại báo cho bộ phận an ninh bảo vệ văn hóa.



Chỉ sau 15 phút thì được biết đó là số máy của một công nhân ngành điện ở thành phố Đà nẵng! Không rõ là bộ phận an ninh đã nói gì nhưng sau đó chủ nhân số máy ấy nhắn lại xin lỗi và muốn được nói chuyện để mình thông cảm. Lý do chỉ vì hôm qua đi hát Karaoke rồi quá chén và nhắn tin trêu lại nhân viên ở quán. Với góc nhìn của những nhà làm công tác an ninh thì họ cho rằng đó là tin nhắn "khủng bố" hoặc quấy rối chứ không thể là nhắn nhầm hoặc trêu đùa vào khuya muộn như vậy. Sự việc chấm dứt ở đó vì mình không có ý kiến gì thêm, nhưng nếu rơi vào người khác thì anh bạn nọ sẽ gặp không ít điều phiền toái và mất thì giờ. Bây giờ thi thoảng bạn ấy lại nhắn tin: "Chị vào Đà nẵng thì nhắn cho em nhé, em muốn mời chị đi uống cafe!"







Kỷ niệm chuyến bay lịch sử trễ tới 8 giờ đồng hồ của hãng hàng không Việt nam Airline! Hu, hu .



Lần thứ hai: Gần 6 giờ sáng chủ nhật, đinh ninh sẽ được "nằm nướng" vì không có kế hoạnh đi đâu hay làm gì, bỗng chuông điện thoại đổ, vừa cầm máy thì đầu dây bên kia có tiếng quát của một phụ nữ: "Chị là ai mà cầm máy của chồng tôi?". Rất bực nhưng mình vẫn cố giữ giọng nhẹ nhàng: " Vậy chị có biết chị đã làm phiền tôi quá sớm vào ngày chủ nhật không? Hy vọng lần sau chị cẩn trọng hơn trước khi bấm máy!".



-Dạ, em xin lỗi chị, em nhầm số, chị thông cảm!







Lần thứ ba, gần đây nhất.



Mình lên nhà con gái chơi, nhà chỉ có hai mẹ con đang chuẩn bị ăn cơm thì ông bạn mình điện thoại nói liền một thôi một hồi: với giọng " sặc mùi men": "Tôi điện thoại hỏi thăm bà, nhưng ông nào nghe máy nói tôi không ra gì!"



Mình ngạc nhiên và giải thích là bạn nhầm số máy nhưng bạn ấy dứt khoát không nghe và cúp máy, biết là bạn quá say nên mình cũng thôi, không muốn nói đi nói lại. Sáng hôm sau bạn điện thoại xin lỗi vì hôm qua bấm nhầm! Dĩ nhiên là mình thông cảm, nhưng sự việc đó làm cả đêm hôm trước mình mất ngủ vì bực và thấy bị làm phiền! Cũng từ đây, cái nhìn và thiện cảm của mình về bạn đã thay đổi!













Thiết nghĩ: Đã đến lúc chúng ta nên quan tâm đến văn hóa sử dụng và giao tiếp trên điện thoại để điện thoại di động xứng đáng với vai trò là sứ giả mang lại niềm vui và tiện ích cho mọi người.



P/S: Văn hóa điện thoại:

Giao tiếp qua điện thoại là hình thức vừa gián tiếp vừa trực tiếp vì hai người tuy ở cách xa nhau nhưng lại có thể nghe thấy tiếng nói của nhau. Khi cầm máy điện thoại lên, chúng ta hay phát ngôn cửa miệng là "A lô!". A lô (Allo),là một cách phát tín hiệu, được hiểu là "Tôi nghe đây!"(Tôi đang nghe!) nhưng để "Tôi nghe đây!" thực sự mang lại hiệu quả cao thì thật không đơn giản.

Ảnh minh họa



Theo khảo sát của Công ty tư vấn và đào tạo ATYS (Hà Nội) thì đến gần 90% người sử dụng điện thoại quên màn chào, hỏi, xin lỗi, cảm ơn... mà thường là "Ai đấy?", "Có việc gì?", "Gặp ai?"... Phải chăng đã đến lúc mọi người phải có ý thức rèn luyện kỹ năng giao tiếp điện thoại, đặc biệt là các bạn trẻ trong việc chuẩn bị kỹ năng ứng xử, thuyết phục, xử lý tình huống trong giao tiếp điện thoại, xây dựng văn hoá điện thoại để những ông chủ khó tính nhất cũng phải hài lòng, góp phần tăng hiệu quả trong công việc, nâng cao hình ảnh của tổ chức nơi bạn tham gia vào.



Để giao tiếp qua điện thoại đạt được hiệu quả cao thì cần lưu ý một số điểm sau:



1. Xưng danh và đã sẵn sàng nghe.



Thể hiện sự đàng hoàng, tự tin trong quan hệ giao tiếp của cả người nói lẫn người nghe, được coi là một biểu hiện của sự văn minh. Đây là nguyên tắc mà người nói và người nghe đều phải thực hiện. Bạn nên sử dụng từ trung tính "Tôi" và nói mình là ai, đầu dây bên kia có đúng là đối tượng mình cần giao tiếp hay không? Và như vậy chứng tỏ bạn đang ở tâm thế "sãn sàng nghe" đối phương nói. Ví dụ: A lô! Tôi là Minh Hải, thư ký văn phòng A xin nghe! Thì phía đầu dây bên kia nếu xác định đúng là địa chỉ cần gọi thì không nên hỏi lại, mà nói thẳng vào vấn đề: Tôi là Vũ Minh, xin được làm việc với bộ phận... của công ty. Tuy nhiên, nếu làm việc với một người cụ thể thì cần hỏi lại, tránh trường hợp: "súng ngắm thẳng" sao "đường đạn" lại đi cong?.



Tuy nhiên, những người lịch duyệt không nhất thiết xưng danh, mà chỉ cần nói "Dạ, tôi nghe" hoặc "Dạ, Công ty B xin nghe". Tuy "Allo" là một kiểu phát tín hiệu trung lập nhưng cũng nên tránh "Allo" hoặc "Allo ạ"



2. Rút ngắn thời gian giao tiếp qua điện thoại



Có nhiều bạn trẻ vẫn cho rằng mình là người nhận điện nên không phải mất tiền, nói bao nhiêu cũng được. Đó là một quan điểm hết sức sai lầm. Nếu bạn gọi đi, bạn nên chuẩn bị thông tin mình định nói, nếu là vấn đề quan trọng thì nên hẹn gặp trực tiếp để trao đổi hoặc nếu là vấn đề phức tạp thì nên chọn hình thức thông tin bằng văn bản. Không nên và hạn chế mở rộng vấn đề sang một lĩnh vực khác.



Một người gọi đến văn phòng bạn trong giờ làm việc và muốn mời bạn ngày mai đi chơi. Nếu bạn chưa thể quyết định ngay được, thì nên nói "Ngày mai chưa thể biết được, khi nào gặp bàn thêm nhé" hoặc "lát nữa mình gọi lại" và nên kết thúc cuộc nói chuyện tại đây.



Tóm lại, cả hai bên nên kết thúc cuộc nói chuyện khi thấy rằng nó đã kéo quá dài thời gian, hoặc tiêu tốn thời gian một cách vô bổ.



3. Không nói những thông tin thừa và bí mật.



Dù là người gọi hay người nhận điện thoại thì bạn không nên nói thêm những thông tin quá... thừa thãi. Bạn nên nói "Thủ trưởng A (cô B) không có ở nơi làm việc, xin vui lòng gọi lại vào lúc khác!" Không nên nói: "Thủ trưởng tôi (cô B) đang ở ngồi bên phòng C, đợi máy để tôi sang gọi"... Tối kỵ hỏi rất nhiều thông tin để người ta có thể hiểu là mình tò mò. Ví dụ: "Hỏi ai", "Anh là ai đấy", "Anh ở đâu?", "Cần hỏi việc gì?" v.v... sau đó mới hạ giọng: "Anh ấy không có ở đây"!!!



Khi tìm người khác nghe máy, bạn nên để úp tổ hợp điện thoại xuống mặt bàn, tránh những âm thanh, cuộc nói chuyện của cơ quan lọt vào trong máy.



4. Khi người được hỏi không có mặt ở cơ quan



Nếu một người đồng sự có điện thoại, nhưng anh/chị ấy đi vắng thì nên hỏi người gọi điện thoại đến: "Anh/Chị có cần nhắn gì không?". Có thể nhận câu trả lời: "Tôi sẽ gọi lại", hoặc người gọi điện đến nhờ nhắn một tin tức gì đó thì nên yêu cầu người ta chờ để ghi lại. Điều này thể hiện thái độ trách nhiệm của mình trước đồng sự. Nếu người gọi điện thoại đến quên xưng danh, chúng ta có thể hỏi lại, nhưng không nên hỏi "Tên anh/chị là gì?" mà nên hỏi "Anh/chị có thể cho biết quý danh", nhưng lịch sự hơn thì nên hỏi "Anh/chị có thể cho biết là ai đã nhắn tin đấy ạ?"



5. Một điều mà nhiều người hay quên



Khi có chuyện cần hỏi qua điện thoại, luôn cần hỏi người đối thoại "Tôi có thể nói chuyện với anh/chị trong vài phút được không?" Điều này rất quan trọng, vì có người hỏi một chuyện rất dài dòng, trong khi người đối thoại đang bận việc khác, nhưng vì nể hay lịch sự mà người ta buộc lòng phải tiếp chuyện điện thoại, hoặc những người làm công việc dịch vụ như bán hàng, nhân viên bưu điện, nhưng phải dừng lại hồi lâu để tiếp chuyện điện thoại, gây cản trở công việc hoặc gây phản cảm cho khách hàng.



Phần những người bị các cuộc điện thoại không mong muốn như thế thì cũng phải có nghệ thuật "hoãn binh", ví dụ "Xin lỗi, mình đang bận chút việc, lát nữa mình sẽ gọi lại". Nên nhớ là "Mình gọi lại", chứ không phải là "Bạn gọi lại cho mình". Đó là một nét văn hoá trong ứng xử.



6. Hãy thân thiện khi giao tiếp qua điện thoại.



Tuy không giao tiếp "mặt đối mặt" nhưng qua điện thoai, người ta có thể cảm nhận được thái độ ứng xử của người đối thoại. Hãy chú ý đến âm điệu và tốc độ giọng nói của mình. Không nên "bắn liên thanh" một hồi như bạn... chưa bao giờ được nói rồi thấy đầu dây bên kia lặng thinh mới hỏi lại.



Hãy để giọng nói của bạn có cung bậc với âm điệu nhẹ nhàng, truyền tải qua điện thoại, phía đầu dây bên kia sẽ hiểu thông điệp và thái độ của bạn. Trường hợp có người gọi nhầm số, thì bạn không nên có thái độ lạnh lùng hay gắt gỏng: Nhầm máy, còn cứ gọi mãi thế. Một thái độ xã giao, lịch sự của người nhận phản ánh yếu tố văn hóa công sở mà bạn đang đứng trong đó. Và điều gì sẽ xảy ra nếu người gọi nhầm máy ấy "chơi thân" với một người đang là đối tác của cơ quan bạn.



7. Hãy cúp (gác) máy nhẹ nhàng.



Đừng bao giờ quên "Cảm ơn" và một lời chào tốt đẹp trước khi cuộc nói chuyện chấm dứt để người nói chuyện với bạn hiểu được rằng họ "quan trọng" và "cần thiết" như thế nào. Nếu vì một nguyên nhân khách quan không thể tiếp tục cuộc nói chuyện được thì người nhận điện nên xin lỗi. Một lý do gì đi chăng nữa thì người thư ký không nên dập máy trước người gọi.



Cuối cùng, hãy cúp (gác) máy nhẹ nhàng không nên để "cạch" một tiếng chát chúa vào tai người nói chuyện với bạn.



Văn hóa điện thoại tưởng chừng là chuyện nhỏ, nhưng lại đem lại hiệu quả tương đối lớn, hoặc ngược lại cho đơn vị, nhất là đối với các doanh nghiệp. Thiết nghĩ, trong các quy định, chế tài về văn hóa doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng nên chú ý tới vấn đề này, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra chì vì một cuộc đàm thoại./.

Bà nội của tôi

Bà nội kính yêu của tôi.




Bà nội tôi sinh ra tại thị xã Hưng yên trong một gia đình nề nếp làm nghề dệt vải, qua lời kể lại của ba tôi và các cô thì bà tôi phải lấy chồng từ năm mười lăm tuổi do cha mẹ sắp đặt. Ông nội tôi khi ấy mười tám tuổi, đang học trường Tây ở Hà nội thì bị gia đình gọi về buộc phải cưới vợ.



Dù lấy chồng từ khi còn rất trẻ nhưng các cô tôi kể bà tôi là một mẫu phụ nữ đảm đang, dịu dàng và bình dị, khiêm nhường.



Ngày giỗ bà tôi gần với ngày lễ Vu lan nên những ký ức của bà trong tôi lại hiện về, rõ như mới hôm qua:



Ba tôi bắt đầu tham gia chiến trường B từ năm 1962 (đến năm 1974). Khi ấy gia đình tôi đã có ba chị em gồm chị gái của tôi, tôi và một cô em gái, cách nhau hai năm một. Sau khi ba đi mẹ tôi sinh tiếp em út tôi là trai.



Tôi còn nhớ rất rõ khi sinh em bé xong thì mẹ ốm rất nặng do căn bệnh thấp khớp, phải nằm một chỗ, chị tôi lúc đó mới lên 7 nên chưa đỡ đần được gì, một mình bà phải chăm sóc bốn chị em tôi và mẹ tôi nữa nên cảnh nhà thật nheo nhóc.



Mỗi khi đi ngủ bà thường nằm giữa, ba chị em gái tôi nằm cạnh và nghe những lời ru ngọt ngào của bà bằng những câu ca dao và truyện Kiều, có lẽ cũng vì thế mà bây giờ tôi vẫn thích thơ lục bát?



Ngoài việc chăm sóc chị em tôi, bà tôi còn trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà để lấy trứng ăn. Nhà tôi có một mảnh vườn nhỏ nên bà trồng đủ rau ăn bốn mùa không khi nào phải mua. Vất vả, mệt nhọc là thế nhưng tôi không thấy bà to tiếng hay quát mắng chúng tôi bao giờ, mỗi khi chị em tôi mắc lỗi bà chỉ nói rất nhỏ nhẹ và nhắc nhở, rất may là chúng tôi biết nghe lời.



Tôi đi học hay bị một số bạn cậy lớn hơn bắt nạt, bà dặn tôi không được phép chửi hay đánh lại mà thưa cô giáo hoặc chỉ cho bà để bà giải thích cho bạn ấy hiểu là không nên làm như vậy. Bây giờ mỗi khi có dịp về Hưng yên và gặp lại, bạn gái ấy vẫn nhắc đến kỷ niệm về lời khuyên của bà dành cho bạn ấy như thế nào. Những ngày mưa gió, bà thường ngồi khâu vá quần áo cho chị em tôi, bà rất khéo tay, những chiếc áo cũ của bà hay của mẹ tôi, bà có thể cắt và may lại thành áo mới vừa vặn cho chị em tôi mặc. Đầu năm 1968 sau một trận cảm và xuất huyết não, bà tôi ra đi rất đột ngột và nhẹ nhàng để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhiều người và nhất là bốn chị em chúng tôi. Sau khi bà mất, nhiều đêm tôi và em gái tôi tỉnh dậy không thấy bà nên khóc vì nhớ (khi ấy tôi mười một tuổi và em gái tôi lên 8). Mẹ tôi kể lại thấy chúng tôi buồn nhiều và ít nói ít cười, mọi người lo chị em chúng tôi sẽ ốm (ngày nay khoa học gọi là căn bệnh trầm cảm). May là còn trẻ con nên chúng tôi cũng chóng nguôi ngoai nỗi nhớ và quen dần với cuộc sống thiếu bà.



Giờ đây mỗi khi giỗ bà, bốn chị em chúng tôi hay ngồi ôn lại những kỷ niệm về bà và kể lại cho con cháu nghe, chúng không thể hình dung được người cụ của chúng đã sống một cuộc sống bình dị, khiêm nhường mà đáng kính trọng biết nhường nào, và tôi hy vọng lớn lên chúng sẽ hiểu rằng: Người cụ của chúng không bao giờ hiểu được những phương trình toán, hóa học phức tạp... nhưng lại là người có thể nuôi dạy và chăm sóc nên những người con, cháu đỗ đạt, có học vị cao, có ích cho xã hội, giàu lòng nhân ái, biết chia sẻ và yêu lao động.



Tôi viết những dòng này để tỏ lòng biết ơn và kính trọng đến người bà kính yêu của mình, cũng là món quà tặng bà nhân dịp lễ Vu lan đến gần.

Chuyện ở Đức

Hôm nay được nghe chuyện anh Hà Đình Chung - người vừa kết thúc chuyến đi thăm nước Đức sau 35 năm mới trở về. Mình có nói với anh Chung: "Nước Đức sạch và đẹp vô cùng!", anh Chung cũng gật đầu đồng ý với ý kiến của mình.




Chiều nay bỗng mình thấy nhớ nước Đức cồn cào, nhớ thành phố mình đã sống, học tập và làm việc ở đó hơn bốn năm. Những bụi cây, ngọn cỏ trên từng nẻo đường hàng ngày dẫn mình từ nhà đến trường, đến nơi làm việc bỗng hiện về rõ mồn một.

Trong số những kỷ niệm thân quen ấy, có một kỷ niệm mà mình không bao giờ quên trong cuộc đời:



Tuần đầu tiên đặt chân đến thành phố Brandenburg (thuộc tỉnh Potsdam), cách Berlin 30 km. Mấy chị em rủ nhau đi mua sắm, một cô bạn ăn kẹo và tiện tay vất luôn mảnh giấy gói kẹo ấy xuống đất (thói quen như ở Việt nam trước đây). Đúng lúc ấy có hai mẹ con bé gái khoảng 3 tuổi dắt tay nhau đi dạo ngược chiều. Em bé vội chạy lại nhặt mảnh giấy kẹo mà cô bạn mình vừa vất rồi bỏ ngay vào thùng rác (bên đó cứ cách 30 m lại có một thùng rác nhỏ và rất sạch).



Mấy chị em dừng lại và thấy xấu hổ trước việc làm của một em bé còn rất nhỏ (chừng 3 tuổi), cô bạn mình vội cầm bàn tay bé gái lên "thơm gió" kèm theo một lời xin lỗi và cảm ơn bé.



Kỷ niệm ấy ám ảnh mình mãi cho đến bây giờ, nhất là mỗi khi bắt gặp trên đường phố Việt nam ở đâu có rác, mình lại nhớ đến em bé ấy và thầm ước ao: Gía như ở nước mình ai cũng có ý thức "xả rác" như bé gái ở Đức đang chập chững biết đi kia thì hay biết mấy!

Trung thu xưa

Hôm nay các cháu thiếu nhi ở khu mình tổ chức đón trung thu với trương trình biểu diễn văn nghệ và dàn âm thanh được chuẩn bị rất công phu, hoa, nến, bánh kẹo, nước ngọt các loại rất nhiều. Ngẫm thấy trẻ em ở thành phố bây giờ thật là đầy đủ và sung sướng. Mình lại chạnh lòng nhớ đến trung thu xưa của bốn chị em thời sơ tán.




Năm 1968, sau khi bà nội qua đời, ba đi tham gia chiến trường phía Nam, chiến tranh bắn phá ác liệt ở miền Bắc, mẹ là trung đội trưởng tự vệ của xí nghiệp nên phải trực chiến thường xuyên, mẹ không còn cách nào khác đành gửi bốn chị em mình vào một ngôi chùa tên là chùa Vông thuộc tỉnh Hưng yên. Ngôi chùa nằm lọt giữa rất nhiều cây xanh, phía trước mặt là hồ sen mênh mông, phía sau là bãi tha ma chung của làng rất rộng, những hôm trở trời, lân tinh bay lập lòe rất nhiều, có những đốm to như quả bóng bay (lũ trẻ trong xóm thường gọi là ma).



Ngày ấy chị gái mình 12 nhưng chỉ huy ba đứa em là mình lên 10, em gái lên 7 và cậu út lên 5, hàng tuần mẹ chỉ tranh thủ xuống chơi với bốn chị em vào chiều thứ bảy, chủ nhật lại về cơ quan để tiếp tục một tuần làm việc mới.



Tuy không có ba mẹ, nhưng bốn chị em thương nhau và rất nghe lời chị cả, chị là người chị rất dịu dàng, mình nhớ chưa nghe thấy chị quát em nào bao giờ, chị lại rất khéo tay và chăm chỉ nữa. Cứ tháng 8 dương lịch là chị gom giấy vở đã viết rồi tự tay cắt dán thành những chiếc đèn ông sao rất đẹp cho cả mấy chị em. Nến được thay bằng những hạt bưởi bóc vỏ phơi khô rồi xâu vào que, cháy rất đượm và tỏa mùi hương thơm ngát.



Thường thì chủ nhật trước khi trung thu mẹ hay mang quà xuống trước và giao cho chị gái quản lý, đến rằm chị mới bày cùng với hoa quả do sư cụ ở chùa trồng được cho như bưởi, ổi, thị, lựu... Chờ khi trăng lên chị gái mới đốt đèn và cho các em phá cỗ. Cũng là những hoa quả hàng ngày vẫn luôn được ăn, nhưng hình như cảm giác ăn khi phá cỗ sẽ ngon hơn, và hương vị ấy còn theo mình đến tận bây giờ.



Bốn chị em mình đã có bốn mùa trung thu giản dị nhưng vô cùng hạnh phúc như thế ở chùa Vông cho đến khi chiến tranh bắn phá ở miền Bắc kết thúc.



Đa số trẻ em ở thành phố thời nay rất đầy đủ nhưng không thể có niềm vui khi trông trăng, phá cỗ như mình trước đây, đó cũng là một điều thiệt thòi cho lớp trẻ.





Hôm nay các con đến biếu mẹ quà tết Trung thu, nhìn những hộp bánh chất đầy trên bàn thờ, mình lại nhớ đến trung thu xưa của chị em mình, rồi lại nghĩ vẩn vơ: Gía như ngày ấy bốn chị em mình có những hộp bánh này để đón trung thu!



Và mình ao ước: Trẻ em trên mọi miền của đất nước mình đều được đón trung thu như những trẻ em ở đây?

Hạn phúc

Đôi điều về hạnh phúc.








Hai từ hạnh phúc được nhắc đến rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng để định nghĩa về hai từ ấy thì có muôn vàn sự cảm nhận khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu cuộc sống, tâm trạng và cá tính của mỗi người.



Với tôi, hạnh phúc là những điều thật đơn giản hiện hữu xung quanh đời sống của mình:



Là mỗi ngày tôi được mỉm cười với một ai đó và nhận lại được từ họ nụ cười cùng ánh mắt thân thiện.



Là mỗi ngày qua đi là một ngày thanh thản, không bị ám ảnh bởi sự đố kỵ, thù hận, ganh ghét.



Là sự ghi nhận của ai đó về sự hiện diện của tôi trong trái tim họ.



Là có một công việc hữu ích để làm, có những mơ ước để thực hiện, có ai đó để quan tâm.



Là cuối tuần được tất bật chuẩn bị những bữa ăn cho người thân, được yêu thương, chia sẻ niềm vui và cả những nỗi buồn cùng họ.



Nếu ai đó cho rằng hạnh phúc thật khó hiểu và không giải thích được cũng đúng, nhưng nói rằng hạnh phúc thật dễ hiểu và không phải mất công tìm kiếm cũng không sai. Cuộc sống chỉ thật sự hạnh phúc khi ta biết những gì ta đang cần và trân trọng những gì ta đang có. Với những người có quan niệm hạnh phúc là quá xa vời thì cho dù cuộc sống của họ đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần họ vẫn luôn cảm thấy bất hạnh và kiếm tìm trong sự tuyệt vọng, ngược lại với những người cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề nhưng họ vẫn thấy hạnh phúc vì biết đặt niềm tin vào nghị lực của chính bản thân mình.



Hãy chia sẻ với mọi người hạnh phúc của bạn là những gì?

"Dở" người

"Dở người"








Từ ngày về nước đi làm, tôi không được tự mình cầm tay lái, lý do các con tôi đưa ra là: "Mẹ có tuổi rồi, đi lại ở Hà nội bây giờ nhộn nhạo lắm chứ không như những năm 90 mẹ đi đâu!"



"Trẻ cậy cha, già cậy con". Nghĩ vậy nên tôi nghe lời các con một cách triệt để.



Tôi sắm cho mình một chiếc xe bốn bánh con con gọi là để tránh mưa nắng mỗi khi đi làm hàng ngày và phục vụ những chuyến công tác xa Hà nội. Việc cầm tay lái do thằng cháu họ đảm nhiệm.



Vì không trực tiếp tham gia giao thông nên tôi ít bị bực mình. Hôm qua con gái thứ hai điện thoại mời mẹ lên chơi, nghỉ hè nên tôi cho cháu lái xe đi làm taxi, tôi liều lấy xe máy và đi chơi với con gái.



Đến một ngã tư, đèn đỏ nên phải dừng, bỗng sau lưng tôi nổi lên rất nhiều tiếng còi xe inh ỏi. Khó chịu, tôi quay lại và nói: "Đèn đỏ, không đi được!", liền sau đó tôi nhận được tiếng quát của một nam thanh niên: "Đúng là dở người!". Tôi nhìn đàng trước thì không thấy có bóng cảnh sát giao thông. Vậy ra chỉ vì muốn vượt đèn đỏ mà người ta gán cho tôi biệt danh "dở người". Đến nhà con gái tôi không dám nói chuyện vừa rồi, vì biết thế nào cũng bị nó trách: "Mẹ không nghe lời con, ở nhà họ đi ẩu lắm!". Điều này lý giải vì sao đất nước mình không còn chiến tranh nhưng bình quân mỗi ngày vẫn có tới 30 đến 40 người chết vì tại nạn giao thông.



Nhớ lại ở nước người, mặc dù trên đường vắng tanh không một bóng xe, bóng người nhưng khi tham gia giao thông, người lái xe luôn có ý thức tự giác và tôn trọng luật giao thông, họ luôn coi đó là nghĩa vụ mà một công dân phải chấp hành trước pháp luật.



Có khi tôi "dở người" thật rồi cũng nên, và chắc là không khi nào tôi cầm tay lái nữa cho đỡ bực mình!





Bạn thấy tôi "dở người" bao nhiêu phần trăm rồi?

Viết cho con

Viết cho con








"Hũ mắm" của mẹ!



Trước đây bà ngoại thường gọi bác Oanh, mẹ và dì của con như vậy, bà giải thích rằng: Có con gái lớn ở trong nhà như có hũ mắm treo, nếu không may xảy ra chuyện gì không hay thì sẽ coi như hũ mắm treo bị rơi vỡ, làm thối um cả nhà mình lẫn hàng xóm láng giềng.



Và mẹ cũng gọi hai cô con gái vụng dại của mẹ như vậy đấy! Vì trong ánh mắt của mẹ các con vẫn chỉ là những đứa trẻ vụng về như ngày nào, vẫn chỉ là những "hũ mắm treo" không cẩn thận thì sẽ có nguy cơ rơi vỡ bất kỳ lúc nào!



Nhiều người cho rằng: Con gái sau khi đã gả chồng là mẹ thở phào nhẹ nhõm. Mẹ không bao giờ nghĩ như vậy, ngược lại nhiều đêm khó ngủ, mẹ cứ quẩn quanh với những mối lo chẳng đâu vào đâu, dẫu biết rằng các con đã trưởng thành thực sự ở ngoài xã hội.



Nay con đã là chủ của một gia đình nhỏ, mẹ lo không biết con sẽ xoay xở ra sao khi mà ngoài khối lượng công việc bộn bề ở cơ quan, con vẫn phải là một người nội trợ biết quán xuyến gia đình: Biết thu xếp nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, biết nấu những bữa cơm dẻo canh ngọt, và tạo được không khí đầm ấm cho chồng con trở về nhà sau mỗi ngày làm việc căng thẳng ở cơ quan? Bên cạnh đó con vẫn phải duy trì phong cách tự tin trong lĩnh vực chuyên môn và chăm chút cho hình thức bên ngoài của con nữa đấy.



Mẹ thường nói với con: Làm phụ nữ thời nay thật khó, phải có sức khỏe để làm tốt chuyên môn, có học vị, có chỗ đứng ổn định trong xã hội, nhưng vẫn phải biết lo việc nhà, mệt đấy nhưng vẫn phải tươi và biết làm đẹp nữa chứ! (đã có lần mẹ giải thích cho con chữ dung rồi đó: đẹp ở đây không có nghĩa là trang điểm cầu kỳ!).



Người xưa có câu: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Trọng trách khoác lên đôi vai gày của con nặng biết bao, nhưng nếu khéo léo thu xếp thì mọi việc sẽ ổn phải không con?



Mẹ chúc mừng con thêm tuổi mới và có thêm nghị lực để xứng đáng là người giữ lửa trong ngôi nhà vừa êm vừa ấm, là bến đỗ bình yên và chỗ dựa tinh thần cho chồng và các con của con sau này.



Hạnh phúc thật giản đơn và bình dị hiện hữu ở quanh ta, nhưng cũng thật mong manh và dễ đổ vỡ. Hãy là "Hũ mắm thơm ngon tinh khiết" như con vẫn tự nhận về mình, con nhé! Cuộc sống của các con mới chỉ là bước đi ban đầu trong hành trình rất dài của cả cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Mẹ đặt niềm tin vào nghị lực phấn đấu của con như những gì con đã làm vui lòng mẹ những năm qua.



Mẹ thương yêu của các con.

Viết cho con rể

Viết cho hai chàng rể của Bạch Dương cùng sinh nhật trong một tháng.








Hai con trai của mẹ!



Mẹ gọi hai chàng rể của mẹ như vậy đấy.



Các con biết không? Sau khi các con cùng con gái của mẹ trao nhẫn cưới vào tay nhau và cùng thành kính đứng trước bàn thờ tổ tiên để thực hiện một cam kết cùng chia ngọt sẻ bùi thì mẹ và hai người mẹ sinh ra các con cũng lập tức cùng ký vào một cam kết tuy không thành văn bản nhưng không kém phần trọng đại và mang nhiều ý nghĩa.





Đó là cam kết yêu thương.



Cam kết yêu thương với người mà trước đây không phải là con của mình mà chỉ được biết qua con gái hoặc con trai của nhau.



Cam kết chung sống có văn hóa và tôn trọng lẫn nhau bởi mẹ nghĩ đó chính là nền tảng để giữ vững cuộc hôn nhân cùng những mối quan hệ khác ở hai bên gia đình



Nhiều người cho rằng: Mẹ chồng hay mẹ vợ là những người mẹ do luật pháp mang đến, mẹ không nghĩ thế mà mẹ cho rằng chúng ta trở thành mẹ con xuất phát từ sự tôn trọng, lòng yêu thương rồi mới đến luật pháp.



Mẹ muốn nói với các con: Mẹ sẽ đối xử với các con bằng tình cảm và tấm lòng của một người mẹ mặc dù mẹ không mang nặng đẻ đau ra các con.



Trước kia khi mẹ chuẩn bị đi lấy chồng, điều đầu tiên bà ngoại dạy mẹ là:" Con hãy yêu thương bố mẹ chồng của con bằng tấm lòng chân thật vì đó là những người đã sinh ra chồng con và hết lòng yêu thương chồng con"



Những lời dạy của bà ngoại giờ đây mẹ lại dạy lại cho con gái của mẹ.



Cuộc sống có bao điều lo toan và những công việc phải hoàn thành với gia đình và xã hội, đừng để những chuyện nhỏ nhặt len lỏi vào cuộc sống gia đình các con nhé. Mỗi ngày qua đi hãy dành cho nhau những giây phút dịu dàng, ngọt ngào và đầm ấm yêu thương. Các con đang cùng nhau "lênh đênh" trên biển đời đục-trong. Để bơi được đến bến bờ hạnh phúc không chỉ cần niềm tin, lòng can đảm và kỹ năng chèo lái mà còn nhiều yếu tố khác nhưng mẹ nghĩ điều không thể thiếu là lòng yêu thương, trách nhiệm và sự độ lượng. Mẹ đặt niềm tin của mẹ vào hai người cầm lái cho cuộc đời hai con gái vụng dại của mẹ đấy!



Chúc các con mãi mãi hạnh phúc và đầm ấm yêu thương.



Mẹ của hai con.

Đôi điều về bữa cơm nhà

Bài sưu tầm hưởng ứng chủ đề ngày 8-3 của trường ĐHQG Hà nội .Có bổ xung , chỉnh lý và biên soạn.






Ta về ta "chén" cơm ta

Dẫu hơi... quá lửa, cơm nhà vẫn hơn!



Nói đến "cơm nhà", chắc chắn quý vị nào giàu óc tưởng tượng sẽ lập tức nghĩ ngay đến chuyện "ẩn ý" xa xôi. Xin thưa: người viết đang nói chuyện cơm nghiêm túc một trăm phần trăm, còn chuyện nghĩ ngược nghĩ xuôi, nếu có là... do độc giả!

Chẳng biết bên trời Tây - nơi chủ nghĩa cá nhân được sùng bái, tôn vinh - người ta thu xếp chuyện ăn uống ra sao; nhưng còn xứ ta - ngoại trừ những người sống độc thân, phải bấm bụng mà chịu cảnh "cháo chợ cơm hàng" hay "nước lọ cơm niêu" - người Việt có gia đình đều ý thức rất rõ tầm quan trọng của những bữa cơm nhà.



Ngày bé mê chơi, thỉnh thoảng đến bữa cơm tôi vẫn còn lang thang đâu đó với những trò đá dế, bắn bi; mẹ tôi lại vác roi đi tìm. Tìm được, sau vài "con lươn" cảnh cáo, mẹ giải thích đơn giản: cần ăn một thể để khỏi mất công để dành đồ ăn, dễ bề dọn dẹp! Ừ, kể cũng có lý; đầu óc của một đứa trẻ cũng chỉ có thể hiểu giản đơn như thế; và cái "giản đơn" ấy theo tôi lâu lắm - đến hơn nửa đời người...

Sau này, khi đã trưởng thành lắm khi vì công việc (và không loại trừ cả chuyện... mê chơi) mà bỏ bữa hoặc về trễ giờ cơm; mẹ không còn "vác roi đi kiếm"; nhưng cụ có vẻ buồn. Đứa trẻ ngày xưa bây giờ cũng đã "khôn" ra chút đỉnh bằng lời nhắc: "Con có về trễ, mẹ cứ ăn cơm; đừng đợi!". Ây thế nhưng - nhiều bữa về nhà mâm cơm đã nguội tanh còn mẹ vẫn đang vò võ ngồi chờ! Tôi giờ đã có vợ con, chuyện dọn dẹp, để dành đâu cần mẹ để ý, quan tâm nhưng bữa cơm gia đình mà con cháu "đứa đi Đông, đứa đi Tây" (thành ngữ của mẹ tôi) vẫn khiến mẹ không vui. Kỳ lạ!

Không riêng mẹ, hình như cả vợ tôi cũng không vui. Bao lần nghe tôi "giải trình" cực kỳ... hữu lý về nguyên nhân về trễ giờ cơm, vợ tôi hết cãi, đành bấm bụng làm thinh. Nhưng xem ra nàng vẫn "chưa thông", mặt cứ lầm lầm...

Riêng tôi, thú thực, ăn cơm nhà hoài lâu lâu làm bữa cơm hàng hoặc tô phở (ấy, tôi đang nói phở có thịt bò, rau giá; không phải "phở"... linh tinh!) cũng thấy ngon. Nhưng chỉ ngon một bữa thôi, ăn hoài tới bữa thứ hai, thứ ba lại đâm ngán. Chẳng trách ông bạn tôi làm nghề ngược xuôi buôn bán cứ nhắc đến chuyện "cơm hàng cháo chợ" lại mặt nhăn như bị - mà bạn tôi đâu phải thuộc dạng nghèo khó, hàng quán bạn vào luôn là những nơi... trên mức trung bình! Tại không hợp khẩu vị chăng? Có thể lắm. Tôi cũng nghĩ thế và tin thế; cho đến ngày vợ tôi đi vắng, một mình tôi ở nhà.

Đến bữa, cơm canh vẫn như mọi khi mà sao... chán quá. Chẳng lẽ... bỏ cơm; đành phải nuốt vội vàng cho xong bữa; chẳng ngon lành gì! Mấy ngày ấy giúp tôi "ngộ" ra một điều: bữa cơm nhà không chỉ ngon vì quen khẩu vị. Còn có một cái "ngon" khác. Cái "ngon" ấy, phải chăng, xuất phát từ không khí gia đình tựu tề đầm ấm? Hình như đúng. Cái khoảnh khắc quây quần bên nhau trong bữa cơm nhà tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng cần thiết. Ây là khoảnh khắc để củng cố, thắt chặt thêm mối dây ràng buộc, thông cảm, yêu thương nhau giữa các thành viên dưới một mái nhà. Y học cho rằng nói chuyện trong bữa ăn làm cơm... khó tiêu; nhưng cứ thử tưởng tượng một bữa cơm không có tiếng chuyện trò hẳn sẽ buồn lắm. Người Việt có thói quen vừa ăn vừa nói chuyện; và "khó tiêu" ở đâu không biết, chứ thực tế, những câu chuyện không đầu không đũa (ngoại trừ... cãi lộn!) đính kèm lúc ăn giống như một thứ "gia vị phần hồn" làm cho cơm cá... hết tiêu! Hèn chi các số liệu thống kê đều cho biết rằng: người có gia đình đa số thường sống thọ hơn các vị độc thân. Điều ấy chắc chắn không thể không tính đến công lao của những bữa cơm nhà. Mẹ tôi không được học hành nhưng cụ cảm nhận được điều đó. Trước cả tôi, vợ tôi cũng cảm nhận được điều đó. Hình như trời sinh những người phụ nữ thường tinh tế hơn đàn ông trong vấn đề cảm nhận. Nói cách khác, phụ nữ đôi khi thua chúng ta về cái lý nhưng nhiều khi lại ăn đứt chúng ta về cái tình!

... Khi tôi ý thức trọn vẹn về ý nghĩa thiêng liêng của những bữa cơm nhà thì mẹ tôi đã không còn. Và tôi cứ muốn khóc khi nhớ đến buổi chiều về trễ, bắt gặp mẹ ngồi một mình trệu trạo nhai cơm, đôi mắt buồn hiu thỉnh thoảng lại ngong ngóng nhìn mông ra ngõ...

Bệnh nói nhiều của chị em phụ nữ

Một cuộc điều tra xã hội học ở Trung Quốc cho 1027 người đàn ông với câu hỏi:'Vợ anh có thói xấu gì khó chịu nhất ?" Kết quả là 92% đàn ông chorằng "nói nhiều " là điều khó chịu nhất ở vợ mình.




Người ta kể rằng có một người đàn ông bị đi tù 6 tháng vì tội đánh vợ. Sau khi mãn hạn được tha về đoàn tụ với gia đình mới có một tuần lễ, anh ta lại khăn gói đến xin ban quản lý nhà tù cho được tiếp tục cải tạo đến hết đời. Hỏi vì sao anh không thích ở nhà mà lại muốn vào tù? Anh ta thú thật rằng, tuy ở trong tù chẳng sung sướng gì nhưng còn hơn ở nhà, vì không bị vợ đay nghiến suốt ngày đêm!



Một cuộc điều tra xã hội học ở Trung Quốc với 1027 người đàn ông với câu hỏi :"Vợ anh có thói xấu gì khó chịu nhất?". Kết quả là 92% đàn ông trả lời, khó chịu nhất là tính"nói nhiều". Thì ra ai cũng sợ cái tính nói dai của các bà vợ. Nỗi sợ này có nguồn gốc sâu xa từ hồi nhỏ anh ta đã bị mẹ mắng mỏ nhiều quá. Đàn ông lẩn tránh các "lời khuyên" của vợ cũng giống như khi còn bé họ lẩn tránh lời giáo huấn của mẹ. Hoá ra, "phái mạnh" rất hay bị "phái yếu" rầy la. Lúc bé thì mẹ mắng. Lớn lên một tí bị chị mắng. Lớn tí nữa, bị bạn gái chê trách. Lấy vợ, bị vợ đay nghiến. Về gìa cũng chưa yên. Có cụ ông tiễn cụ bà về nơi an nghỉ cuối cùng tưởng là thoát nạn, ai ngờ cụ lại phàn nàn rằng con gái bây giờ cũng lắm điều chẳng kém gì mẹ nó! Có phải sự tấn công của "phái đẹp" làm giảm uy thế người đàn ông trong gia đình nên anh ta cảm thấy khó chịu? Thực ra không phải thế! Nếu có một cái máy ghi âm để ghi tất cả những "lời khuyên" của vợ rồi một lúc nào đó mở ra nghe lại, người ta sẽ dễ dàng nhận ra, ít nhất phải có đến 95% những "lời khuyên" đó là ... giống nhau! Thì ra, hầu hết những "bài ca cải lương" của các bà vợ không phải là những sáng tác mới mà hầu hết được hát đi hát lại dù không ai yêu cầu! Bởi vì đàn ông đã biết quá rõ! Thậm chí thuộc lòng! Nhưng đàn ông hãy thử nhìn lại mình một cách nghiêm khắc xem! Liệu những lời nhắc nhở muôn thủa như thế có thừa không? Hay bản thân họ cũng đầy những lỗi lầm cần phải để các bà vợ liên tục rót vào tai những lời răn bảo? Tiếc rằng khi các nhà nghiên cứu về đời sống gia đình hiện đại kiên nhẫn ngồi nghe hàng núi băng ghi âm mà họ đã ghi được từ miệng nhiều bà vợ khác nhau, mới thấy một thực tế đau buồn là : Khó mà có ông chồng nào thoát khỏi bị vợ chì chiết! Người làm việc trí óc thì bị vợ la rầy về tội đóng một cái đinh không nên hồn. Người khéo léo chân tay làm việc gì cũng giỏi lại bị chê là viết một cái đơn xin cho con nghỉ học cũng không viết nổi. Người giỏi cả việc chân tay lẫn việc trí óc lại bị "tra tấn" vì tội quanh năm ngày tháng không bao giờ biết mua đôi vé đưa vợ đi xem một bộ phim ...

Bây giờ ta hãy "đi ngược dòng lịch sử" xem khi mới quen hơi bén tiếng nhau, phụ nữ có thói quen đay nghiến người yêu không? May thay, khi đó họ lại không có thói quen đó! Nếu khi mới yêu nhau, đàn ông đã bị "tra tấn" như thế thì có lẽ số cuộc hôn nhân phải giảm đi ít nhất là 90%. Vậy khi mới yêu nhau, phụ nữ cư xử với đàn ông thế nào? Thường lúc đó họ khen không ngớt lời. Nào là "Anh giỏi quá!", "Anh tài quá!", "Anh thông minh quá!". Là vì lúc đó người đàn ông được bao phủ trong ánh hào quang rực rỡ của tình yêu. Nhất cử nhất động của anh ta đều đáng yêu hết! Thì ra mọi chuyện chỉ bắt đầu từ khi họ kết hôn!



Bây giờ chúng ta hãy thử nghe cuốn băng ghi âm xem một cuộc "ca nhạc gia đình" đã diễn ra như thế nào? May mắn là hôm ấy bữa cơm tối diễn ra vui vẻ. Ăn xong, người vợ nhẹ nhàng bảo chồng: "Bữa nay, anh rửa bát đi!". Chồng vừa nhìn vào cái ti-vi vừa trả lời là: "Được rồi, cứ để đấy!". Lúc đó trên ti-vi đang phát bản tin tóm tắt về các trận bóng đá trong tuần. Nhưng sau câu nói đó, anh ta vẫn ngồi nguyên vì theo anh ta, nửa giờ nữa rửa bát cũng chưa chết ai! Song, đa số phụ nữ lại không chấp nhận điều đó. Họ muốn chồng phải làm ngay. Nếu không sẽ xảy ra một trong hai tình huống. Một là chị ta nhắc lại bằng giọng nữ cao: 'Anh có rửa bát không thì bảo?". Hai là chị ta lẳng lặng bưng mân bát đi rửa. Có phải người vợ xử sự theo cách thứ hai là những người hiền lành, khéo chiều chồng không? Xin thưa, nếu các bạn nghĩ thế là lầm to. Đó chính là cách "đay nghiến không lời".mà xét về mặt nào đấy nó còn "khủng khiếp" hơn cả đay nghiến bằng lời. Vì kèm theo cử chỉ ấy thường là một bộ mặt "hình sự" mà những người đàn ông yếu bóng vía có thể chỉ nhìn thấy đã bị chấn thương tâm lý đến mức cả buổi tối hôm ấy và có thể cả đêm hôm ấy hoặc kéo dài đến tận sáng hôm sau, anh ta sẽ cảm thấy mình đúng là một tên tội phạm. Bộ mặt ấy sẽ tiêu diệt hết cả mọi thú vui của anh ta ở trên đời, ít ra là trong ngày hôm đó.

Rõ ràng đay nghiến bằng lời hay không bằng lời là thứ vũ khí mà các bà vợ làm đàn ông kinh hãi nhất. Không ít cuộc ly hôn đã là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc "tra tấn " triền miên này. Thậm chí có những đàn ông không kịp ly hôn, cứ lẳng lặng ra đi không trở về nữa.



Công bằng mà nói, cũng phải thừa nhận rằng, đàn bà cũng chẳng thích lắm điều nhưng vì đa số việc trong nhà vẫn rơi vào tay phụ nữ mà những việc đó thì không mấy khi được vừa lòng do vô số những sơ xuất của chồng, con. Vì vậy phụ nữ không nói cũng không được. Tuy nhiên các nhà tâm lý học gia đình đưa ra giải pháp là, những người phụ nữ khôn ngoan nói cái gì chỉ nên nói một lần thôi. Nếu người chồng đã chấp nhận là được, còn xử lý việc đó như thế nào hãy cho anh ta một "khoảng trời riêng" muốn làm lúc nào hay cách nào tuỳ ý. Nếu điều đó không theo ý mình thì người vợ khôn ngoan cũng không nói đi nói lại và cũng không làm thay anh ta. Bởi vì, cũng theo các chuyên gia về gia đình thì không có gì hoang tưởng hơn là chỉ dùng lời nói mà một người phụ nữ có thể cải tạo được chồng mình thành một người khác. Đã trót lấy người đàn ông thế nào hãy chấp nhận đến 95% như anh ta vốn có ! Nếu có được "mảnh đất 5%" còn lại để có thể trồng trọt theo ý mình đã là may lắm rồi!

Nước Uc trong cảm nhận của tôi

Nước Úc (Aútralia): Thủ đô là Canberra


Dân số: 21.006.800 triệu người

Diện tích: 7.686.848 Km2



Là nước có diện tích lớn thứ 6 trên thế giới sau Nga, Ca na da, Trung quốc, Mỹ, Brazil. Là đất nước có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú, xinh đẹp và yên bình. Có nền giáo dục phát triển và năng động. Dân cư thưa thớt nhưng hoạt bát, nhanh nhẹn và rất tự tin. Là xã hội nói tiếng Anh, có mức sống cao, an toàn và thân thiện.



Giáo dục phổ thông:

Ở Australia, trẻ em bắt đầu đi học mẫu giáo để chuẩn bị vào lớp 1 và sau đó là 12 năm học phổ thông, (tiểu học và trung học). Trong năm cuối cùng của bậc trung học phổ thông, tức năm lớp 12, học sinh có thể học để lấy Bằng Tôt Nghiệp Phổ Thông Trung Học. Đây là chứng chỉ do Chính Phủ cấp, được tất cả các trường đại học, cơ sở giáo dục và đào tạo nghề ở Australia cũng như nhiều trường đại học quốc tế công nhận.



Các môn học

Australia có một khung giáo trình quốc gia nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn học tập cao trên toàn quốc. Tất cả các trường phổ thông đều giảng dạy các môn học trong 8 lĩnh vực học tập chính, đó là: Anh ngữ, toán, xã hội học và môi trường, khoa học, nghệ thuật, các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh, phát triển cá nhân, sức khỏe và thể dục. Các trường còn có những chương trình Anh ngữ dành cho du học sinh để hỗ trợ việc học tập của họ.



Ở bậc phổ thông trung học, có nhiều cơ hội lựa chọn và tính đa dạng cao vì các trường giảng dạy nhiều môn học cùng với đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên môn cao, sử dụng những công nghệ tiên tiến như Internet, thiết bị đa truyền thông và các phòng thí nghiệm.



Nhiều học sinh theo học phổ thông trung học để đủ điều kiện ghi danh tại trường đại học. Cứ 10 trường phổ thông Australia thì có tới 9 trường cung cấp các chương trình giáo dục dạy nghề , bên cạnh chương trình phổ thông tiêu chuẩn



Niên học

Niên học ở trường phổ thông thường được chia thành 4 kỳ, bắt đầu từ cuối tháng Một/đầu tháng Hai và kết thúc vào tháng Mười Hai. Học sinh có kỳ nghỉ ngắn giữa các học kỳ, và nghỉ hè dài từ tháng Mười Hai đến tháng Một.



Mỗi tuần, học sinh đến trường từ thứ Hai đến thứ Sáu. Giờ học có thể thay đổi chút ít tùy theo mỗi địa phương nhưng thường bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều.



Văn hóa và thể thao

Chương trình học bậc phổ thông ở Australia đáp ứng nhiều kỹ năng và sự ưa thích của học sinh. Những kỹ năng như kịch, âm nhạc, nghệ thuật, tranh luận và phát biểu trước công chúng cùng với những hoạt động thể thao cá nhân và đồng đội được tăng cường nhờ các hoạt động giao lưu. Việc tham gia nhiều môn thể thao và nghệ thuật đa dạng có thể giúp học sinh phát triển các kỹ năng lãnh đạo và tổ chức cũng như rèn luyện sự tự tin và tính tự lập.

Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong báo giáo dục và thời đại của ÚC được chuyển dịch sang tiếng Việt và lưu trữ tại trường ĐHQG Hà nội tháng 3-2010

Washington DC

WASHINGTON DC




Diện tích:60km2

Dân số:3 triệu người







Tôi đặt chân lên thành phố này trong tình trạng người ngây ngấy sốt do không quen với thời tiết khí hậu ở Úc. Trước khi xuất phát từ Úc sang Mỹ, tôi được chị bác sĩ chung của đoàn công tác đưa cho mấy viên thuốc kèm theo lời dặn: "Nếu ở sân bay bên đó họ làm thủ tục kiểm tra nhiệt độ trên 37 độ có thể họ sẽ không cho nhập cảnh, em đừng buồn nhé!". Tôi cố trấn tĩnh bằng thái độ bình thản nhưng trong lòng không khỏi lo lắng. Rất may là việc đó không xảy ra với tôi. Mọi thủ tục giấy tờ được giải quyết nhanh chóng và đặc biệt là ánh mắt, nụ cười của các cán bộ Hải quan ở đây khiến tôi có nhiều thiện cảm (chỉ có hải quan Việt nam là oai nhất thế giới vì luôn có bộ mặt lạnh như tiền! Mọi người trong đoàn công tác đều có nhận xét vui như vậy vì tất cả chúng tôi đều đã có nhiều cơ hội xuất nhập cảnh ở nhiều nơi trên thế giới ).



Tuy trong người còn rất mệt nhưng cảnh sắc huy hoàng với con đường cao tốc trên mười làn đường từ sân bay đưa chúng tôi về khách sạn đã làm tôi quên cả mệt mỏi. Sự đón tiếp ân cần và chu đáo của con người ở đây khiến sức khỏe của tôi bình phục rất nhanh. Sau 4 ngày miệt mài với dự giờ thăm lớp, rút kinh nghiệm, thu hoạch...Sáng thứ 7 được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt nam tại Mỹ, chúng tôi được một người là người Việt làm việc lâu năm tại Mỹ đưa cả đoàn đi thăm một số cảnh quan chính của thành phố vốn được mệnh danh là trung tâm quyền lực của nước Mỹ, cũng là trung tâm quyền lực của cả cộng đồng quốc tế, nơi đã sinh ra nhiều quyết định chính trị quan trọng.



Qua lời giới thiệu của anh hướng dẫn, chúng tôi được biết nguồn thu nhập lớn của thành phố chính là nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, các hoạt động tài chính của các tập đoàn quốc tế.



Phía sau vẻ uy nghi về quyền lực chính trị thì Washington DC là một thành phố thanh bình. Đứng trên tầng cao của khách sạn, chúng tôi được nhìn thấy thành phố có trục cây xanh trung tâm xen kẽ với nhà quốc hội, đài tưởng niệm...Tất cả được quy hoạch rất gọn và quy mô. Đặc biệt là không có những trung tâm tài chính hay dịch vụ thương mại ( theo lời kể của anh hướng dẫn). Thành phố không có nhà cao quá 15 tầng. Đây là quy định về kiến trúc đô thị từ năm 1910 và được chấp hành nghiêm chỉnh cho đến nay! Nhà trắng và nhà quốc hội là những cơ quan quyền lực về chính trị nhưng cũng là nơi dành cho mọi người dân địa phương và du khách khắp nơi trên thế giới có nhu cầu ghé thăm, thật là gần gũi và thân thiện, chúng tôi cảm nhận được điều đó khi cùng nhiều du khách đi dạo trong khuôn viên của khu nhà này. Ngày chủ nhật cả đoàn không quên ghé thăm bia tưởng niệm 58000 binh sĩ Mỹ chết trận ở Việt nam. Anh hướng dẫn cũng giải thích hầu hết người Việt nam sang đây đều ghé thăm nơi đây vì không chỉ người Mỹ mới có nỗi đau này, mà nó là nỗi đau chung của cả nhân loại. Thời gian lưu lại ở đây tuy không dài ( 1 tuần), do lịch công việc khá chặt chẽ nên tôi không có điều kiện tham quan kỹ, nhưng cũng đủ để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp về thành phố xứng đáng với niềm kiêu hãnh là nơi tạo ra nhiều điều kỳ diệu cho nhân loại.







Bài viết có sử dụng một số tư liệu giới thiệu về Washington DC do Đại sứ quán Việt nam cung cấp.