Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Hàn quốc năng động

Tạm biệt Washington DC. Chúng tôi vòng về Hàn quốc trước khi trở về Việt nam. Hàn quốc là một quốc gia có nền giáo dục phát triển cao, ở đây đang có những sự chuyển biến mới về cải cánh giáo dục, đặc biệt là giáo dục Đại học. Đó cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm nên " Kỳ tích sông Hàn" khiến cho cả thế giới khâm phục!




Hàn quốc luôn đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ngày nay Hàn quốc là một trong những nước có tỷ lệ dân số biết chữ cao nhất thế giới. Chính trình độ học vấn cao của người Hàn quốc là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng nhanh và đưa đất nước này nhanh chóng trở thành một trong những con rồng trong nhóm các nền công nghiệp mới của Đông Á từ những năm 70-80 của thế kỷ trước.



Để nâng cao dân trí, Hàn quốc có những nỗ lực vượt bậc trong việc giáo dục bắt buộc và miễn phí cho học sinh tiểu học và Trung học cơ sở.



Hệ thống trung học chia làm hai loại: Trung học phổ thông và Trung học học nghề. Học sinh tốt nghiệp trung học dạy nghề sau này sẽ là những công nhân kỹ thuật về cơ khí, nông nghiệp, kinh doanh và hàng hải. Học sinh trung học phổ thông được học theo chương trình có xu hướng chuẩn bị vào đại học và cao đẳng với thời gian đào tạo phổ biến là 4 năm ( trừ đại học y khoa là 6 năm). Các trường Cao đẳng và Đại học hoạt động theo cơ chế tuyển sinh chặt chẽ, việc tuyển chọn được quy định dựa trên thành tích học tập và kết quả của học sinh trong trường trung học và qua các kỳ thi chuẩn quốc gia. Từ năm 1996 một số trường cao đẳng và đại học còn yêu cầu thí sinh dự tuyển làm thêm những bài thi viết luận theo quy định riêng của trường.



Hiện nay giáo dục Hàn quốc vẫn không ngừng cải cách giáo dục cả về hệ thống, chương trình quản lý, sửa đổi một số điều luật liên quan đến giáo dục cũng như thay đổi cả về ý thức và quan niệm về giáo dục trong nhân dân. Thủ đô Seoul san sát nhà cao tầng nối nhau chạy dài ra mãi, thế nhưng hệ thống nhà cao tầng, chọc trời ấy vẫn được định vị và xây lên từ nền địa hình đồi núi, dốc thoải, được quy hoạch, phân cấp, chia lô theo từng mặt bằng có độ cao khác nhau và chen vào giữa những khu nhà cao tầng đó, người ta vẫn quy hoạch, giữ lại những dải cây, vạt rừng tự nhiên mọc rất dầy. Seoul có dòng sông Hàn nước xanh trong chảy qua. Tôi thấy có rất nhiều cây cầu nối hai bờ sông Hàn. Theo lời giới thiệu của anh lái xe thì đã có trên 30 cây cầu nối nhịp với Seoul, ngoài ra còn nhiều cây câù khác đang tiếp tục được xây dựng và sẽ được đưa vào sử dụng trong nay mai. Thứ 7 và chủ nhật chúng tôi được đi tham quan thành phố, đứng trên tháp truyền hình nhìn xuống toàn cảnh thành phố tôi thấy hệ thống giao thông ngang dọc, chi chít nhiều tầng dày đặc nhưng rất quy củ, được mã hóa, nạp vào mọi phần mềm dữ liệu của hệ thống định vị giao thông (theo lời anh lái xe thì tất cả các xe ô tô tham gia giao thông ở Hàn quốc đều có máy định vị lắp tại xe để chỉ dẫn cho lái xe biết vị trí và hướng đi của mình). Hệ thống tàu điện ngầm ở Seoul mỗi ngày vận chuyển 5 đến 6 triệu lượt khách với ý thức của người tham gia giao thông rất tốt. Tôi chợt nhớ đến lời của một giáo sư dạy ở trường Đại học Kinh tế quốc dân có nói: Một quốc gia muốn phát triển được thì cần phải quan tâm đặc biệt đến công nghiệp Điện lực và công nghiệp Giao thông. Vì đó là hai ngành chiến lược góp phần quyết định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tôi có cảm nhận Hàn quốc đã có tầm nhìn xa về hai ngành công nghiệp quan trọng này. Theo lời đề nghị của chị bác sĩ trong đoàn, chúng tôi cùng đến thăm một siêu thị sữa của Seoul. Vì theo chị thì Sữa cũng chính là một mặt phản ánh mức sống của người dân. Người dân Hàn quốc quen với khẩu hiệu: Người Hàn quốc dùng đồ Hàn quốc đã từ lâu cũng xuất phát từ chất lượng hàng hóa nội địa của họ được chú ý, giá cả không cao và phù hợp với mức thu nhập chung của nhiều tầng lớp trong xã hội. Hiện Hàn quốc có tới hơn 500 loại sữa được sản xuất trong nước, có chất lượng tốt và được người dân tin dùng, giá cả hợp lý. Hàn quốc hạn chế đến mức tối đa việc nhập khẩu nguyên liệu trong việc sản xuất sữa mà chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu của nước nhà.



Chia tay với quốc gia này, trong tôi cứ vấn vương mãi bởi một câu hỏi: Từ những năm 60 của thế kỷ 20 cho đến nay (40 năm), điều gì khiến cho một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp, đời sống nghèo nàn, vậy mà giờ đây họ phát triển nhanh về nhiều mặt đến như vậy?







Bài viết có sử dụng thêm một số tư liệu về đất nước và con người Hàn quốc do Đại sứ quán Việt nam tại Hàn quốc cung cấp



Tháng 5-2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét