Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Lợi ích của tắm chân

Năm 1993, mình được xếp nhà ở cạnh một đôi vợ chồng người Hoa dạy cùng trường, buổi tối mình hay sang nhà anh chị chơi và giao lưu (dĩ nhiên là bằng tiếng Nga), có một điều đặc biệt là tối nào cũng thấy hai vợ chồng họ ngâm chân nước ấm. Mình hỏi thì anh chị giải thích là rất tốt cho tim mạch, huyết áp, thần kinh và chống cảm mạo. Nghe có lý vì xem phim Trung quốc, mình cũng thấy những ông hoàng bà chúa có thiếu gì thuốc quý, cao lương mỹ vị đâu, nhưng tối đến là ai cũng phải ngâm chân!








Vậy là mình kiên trì tạo và giữ được thói quen ấy cho đến bây giờ và chắc là sẽ giữ mãi về sau! Không biết có phải do thói quen ngâm chân nước ấm không nhưng mình ít bị ốm vặt và đặc biệt là không bị nhức đầu, ngủ rất ngon giấc.



Hôm trước lên mạng chát với Thanh Chung, thấy em kêu dịp này cuối năm công việc căng thẳng nên bị mất ngủ, mình khuyên em chịu khó ngâm chân nước ấm mỗi tối, trước khi đi ngủ, sẽ có một giấc ngủ tốt và đây cũng là một trong những bí quyết "chẻ rai" của Từ Hy Thái Hậu (vế sau cũng quan trọng ra trò! Hì, hì.), cách đây vài hôm, Thanh Chung khoe:" Em đã học chị thói quen ngâm chân, thấy ngủ rất ngon và quên hết sự đời! Bây giờ cứ mỗi khi ngâm chân em lại nhớ đến chị!"



Cách đây hai hôm, chị bạn cùng khoa với mình kể chuyện có hiện tượng mất ngủ và đau ở đỉnh đầu, mình cũng tư vấn chị nên ngâm chân nhưng nhớ pha thêm chút gừng tươi ngâm với rượu rồi pha vào nước. Hôm nay chị khoe đã hết đau đầu, ngủ ngon, lại không thấy đau đầu gối như mọi khi nữa.



Vậy là mình vô tình trở thành bà lang tư vấn...ngâm chân nước ấm!



Mình cũng đang vừa ngâm chân vừa gõ những dòng này và hy vọng ai đó đang có chứng mất ngủ hoặc đau đầu, đau thần kinh tọa (dĩ nhiên là ở thể nhẹ, mới chớm), hãy thử xem!





Một số thông tin về lợi ích của việc ngâm chân nước ấm:



Tắm chân để bảo vệ sức khỏe



Cần massage chân sau khi ngâm chân trong nước ấm.

Việc tắm chân (ngâm chân trong nước ấm) có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, ảnh hưởng rất tốt đến thần kinh và trí não. Phương pháp dưỡng sinh cổ truyền này cũng giúp phòng và chữa một số chứng bệnh như đau đầu, mất ngủ, cảm mạo, suy nhược thần kinh...

Theo Đông y, bàn chân là gốc của cơ thể, có hơn 60 huyệt. Nó tham gia vận hành khí huyết, liên hệ với lục phủ ngũ tạng, nối liền các bộ phận quan trọng. Vì vậy, việc bảo vệ chân, nhất là ngâm chân trong nước ấm, rất hữu ích đối với sức khỏe. Trong dân gian lưu truyền kinh nghiệm "dưỡng thụ hộ căn, dưỡng nhân hộ cước", nghĩa là nuôi cây thì bảo vệ gốc, nuôi người bảo vệ chân.



Y học hiện đại coi bàn chân là trái tim thứ hai, dưới bàn chân có nhiều đầu mút thần kinh thông với đại não. Chân nằm ở đầu mút của cơ thể, cách xa tim nên được cung cấp máu ít; máu được lưu thông ở đây cũng tương đối chậm. Vì vậy, hai bàn chân dễ bị lạnh, khiến cho nhiệt ở đường hô hấp và khoang bụng giảm, sức đề kháng giảm.Việc kiên trì tắm chân bằng nước ấm sẽ giúp giữ nhiệt cho cơ thể, kích thích các đầu mút thần kinh phản xạ đến vỏ đại não, tăng tuần hoàn máu, điều chỉnh chức năng và trạng thái sinh lý của các tổ chức trong cơ thể.



Cách tắm chân



- Ngâm chân sau khi ăn một giờ. Sử dụng nước ấm 40-50 độ C (cảm thấy ấm là được). Trong quá trình tắm, thỉnh thoảng cần cho thêm nước nóng để giữ nhiệt. Nên cho thêm các cây hương liệu để chữa các bệnh như cảm mạo, cao huyết áp, mất ngủ, suy nhược thần kinh, thống kinh...



- Ngâm cả hai bàn chân trong 10-15 phút. Sau đó dùng tay massage hai chân (mu bàn chân trước, lòng bàn chân sau), động tác phải nhẹ nhàng, liên tục. Động tác này có tác dụng làm giãn nở mạch máu, giúp máu lưu thông tốt, đầu mút thần kinh được hưng phấn, tuần hoàn máu tăng nhanh, chữa đau đầu, mất ngủ, hay gặp ác mộng và các trạng thái thần kinh xấu khác.



- Dùng khăn khô lau sạch hai bàn chân. Chú ý tránh gió.



Người già, trẻ em và người ốm cần có người khác bên cạnh khi tắm chân. Trong quá trình tắm, nếu thấy người khó chịu thì phải kết thúc ngay.



Lưu ý: Tuyệt đối không được ngâm chung trong một chậu nước , vì như vậy có thể bệnh của người này lây truyền sang cho người khác qua các huyệt ở dưới gan bàn chân.Chỉ ngâm chân sau khi đã tắm,như vậy gan bàn chân sẽ không bị nhiễm lạnh.







Sức Khỏe & Đời Sống (theo Sức Khỏe của Trung Quốc)

1 nhận xét: