Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Đôi điều về bữa cơm nhà

Bài sưu tầm hưởng ứng chủ đề ngày 8-3 của trường ĐHQG Hà nội .Có bổ xung , chỉnh lý và biên soạn.






Ta về ta "chén" cơm ta

Dẫu hơi... quá lửa, cơm nhà vẫn hơn!



Nói đến "cơm nhà", chắc chắn quý vị nào giàu óc tưởng tượng sẽ lập tức nghĩ ngay đến chuyện "ẩn ý" xa xôi. Xin thưa: người viết đang nói chuyện cơm nghiêm túc một trăm phần trăm, còn chuyện nghĩ ngược nghĩ xuôi, nếu có là... do độc giả!

Chẳng biết bên trời Tây - nơi chủ nghĩa cá nhân được sùng bái, tôn vinh - người ta thu xếp chuyện ăn uống ra sao; nhưng còn xứ ta - ngoại trừ những người sống độc thân, phải bấm bụng mà chịu cảnh "cháo chợ cơm hàng" hay "nước lọ cơm niêu" - người Việt có gia đình đều ý thức rất rõ tầm quan trọng của những bữa cơm nhà.



Ngày bé mê chơi, thỉnh thoảng đến bữa cơm tôi vẫn còn lang thang đâu đó với những trò đá dế, bắn bi; mẹ tôi lại vác roi đi tìm. Tìm được, sau vài "con lươn" cảnh cáo, mẹ giải thích đơn giản: cần ăn một thể để khỏi mất công để dành đồ ăn, dễ bề dọn dẹp! Ừ, kể cũng có lý; đầu óc của một đứa trẻ cũng chỉ có thể hiểu giản đơn như thế; và cái "giản đơn" ấy theo tôi lâu lắm - đến hơn nửa đời người...

Sau này, khi đã trưởng thành lắm khi vì công việc (và không loại trừ cả chuyện... mê chơi) mà bỏ bữa hoặc về trễ giờ cơm; mẹ không còn "vác roi đi kiếm"; nhưng cụ có vẻ buồn. Đứa trẻ ngày xưa bây giờ cũng đã "khôn" ra chút đỉnh bằng lời nhắc: "Con có về trễ, mẹ cứ ăn cơm; đừng đợi!". Ây thế nhưng - nhiều bữa về nhà mâm cơm đã nguội tanh còn mẹ vẫn đang vò võ ngồi chờ! Tôi giờ đã có vợ con, chuyện dọn dẹp, để dành đâu cần mẹ để ý, quan tâm nhưng bữa cơm gia đình mà con cháu "đứa đi Đông, đứa đi Tây" (thành ngữ của mẹ tôi) vẫn khiến mẹ không vui. Kỳ lạ!

Không riêng mẹ, hình như cả vợ tôi cũng không vui. Bao lần nghe tôi "giải trình" cực kỳ... hữu lý về nguyên nhân về trễ giờ cơm, vợ tôi hết cãi, đành bấm bụng làm thinh. Nhưng xem ra nàng vẫn "chưa thông", mặt cứ lầm lầm...

Riêng tôi, thú thực, ăn cơm nhà hoài lâu lâu làm bữa cơm hàng hoặc tô phở (ấy, tôi đang nói phở có thịt bò, rau giá; không phải "phở"... linh tinh!) cũng thấy ngon. Nhưng chỉ ngon một bữa thôi, ăn hoài tới bữa thứ hai, thứ ba lại đâm ngán. Chẳng trách ông bạn tôi làm nghề ngược xuôi buôn bán cứ nhắc đến chuyện "cơm hàng cháo chợ" lại mặt nhăn như bị - mà bạn tôi đâu phải thuộc dạng nghèo khó, hàng quán bạn vào luôn là những nơi... trên mức trung bình! Tại không hợp khẩu vị chăng? Có thể lắm. Tôi cũng nghĩ thế và tin thế; cho đến ngày vợ tôi đi vắng, một mình tôi ở nhà.

Đến bữa, cơm canh vẫn như mọi khi mà sao... chán quá. Chẳng lẽ... bỏ cơm; đành phải nuốt vội vàng cho xong bữa; chẳng ngon lành gì! Mấy ngày ấy giúp tôi "ngộ" ra một điều: bữa cơm nhà không chỉ ngon vì quen khẩu vị. Còn có một cái "ngon" khác. Cái "ngon" ấy, phải chăng, xuất phát từ không khí gia đình tựu tề đầm ấm? Hình như đúng. Cái khoảnh khắc quây quần bên nhau trong bữa cơm nhà tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng cần thiết. Ây là khoảnh khắc để củng cố, thắt chặt thêm mối dây ràng buộc, thông cảm, yêu thương nhau giữa các thành viên dưới một mái nhà. Y học cho rằng nói chuyện trong bữa ăn làm cơm... khó tiêu; nhưng cứ thử tưởng tượng một bữa cơm không có tiếng chuyện trò hẳn sẽ buồn lắm. Người Việt có thói quen vừa ăn vừa nói chuyện; và "khó tiêu" ở đâu không biết, chứ thực tế, những câu chuyện không đầu không đũa (ngoại trừ... cãi lộn!) đính kèm lúc ăn giống như một thứ "gia vị phần hồn" làm cho cơm cá... hết tiêu! Hèn chi các số liệu thống kê đều cho biết rằng: người có gia đình đa số thường sống thọ hơn các vị độc thân. Điều ấy chắc chắn không thể không tính đến công lao của những bữa cơm nhà. Mẹ tôi không được học hành nhưng cụ cảm nhận được điều đó. Trước cả tôi, vợ tôi cũng cảm nhận được điều đó. Hình như trời sinh những người phụ nữ thường tinh tế hơn đàn ông trong vấn đề cảm nhận. Nói cách khác, phụ nữ đôi khi thua chúng ta về cái lý nhưng nhiều khi lại ăn đứt chúng ta về cái tình!

... Khi tôi ý thức trọn vẹn về ý nghĩa thiêng liêng của những bữa cơm nhà thì mẹ tôi đã không còn. Và tôi cứ muốn khóc khi nhớ đến buổi chiều về trễ, bắt gặp mẹ ngồi một mình trệu trạo nhai cơm, đôi mắt buồn hiu thỉnh thoảng lại ngong ngóng nhìn mông ra ngõ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét