Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Cảm nhận của Tiến sĩ Vương Cường khi đọc Hồi ức chiến tranh Trị Thiên Huế trong tôi

Cảm nhận của Tiến sĩ Vương Cường khi đọc:


Hồi ức chiến tranh "TRỊ THIÊN HUẾ TRONG TÔI"

của tác giả Đào Mai







Lời dẫn của Bạch Dương:

Hôm qua (13.3.2011) Bạch Dương thật sự rất vui và cảm động khi nhận được điện thoại của anh Vương Cường thông báo rằng anh đã đọc xong cuốn Hồi ký của Ba tôi và có viết bài cảm nhận, anh xin địa chỉ Email gửi cho tôi bài viết công phu này. Trước khi trân trọng đăng nguyên văn bài viết của anh Bạch Dương xin được bầy tỏ đôi điều:



Hè năm 2005, từ nơi xa trở về Hà nội, tôi được bác xe ôm gần nhà kể lại: "Không biết ông cụ nhà chị lên nhà xuất bản Hội nhà văn làm gì mà nhờ tôi đưa lên đó hàng chục lần, không được việc gì?"



Tôi hỏi thì ba trả lời: "Ba mang bản thảo Hồi ký chiến đấu đi nộp để họ in, nhưng không được việc". (Tôi thương cho ý nghĩ ngây thơ của ba vô cùng!).



Hè 2008, được tin ba mắc bệnh nan y, tôi quyết định trở lại quê nhà, được chăm sóc, gần gũi ba những ngày cuối cùng, tôi càng hiểu thêm niềm đam mê viết của ba qua lời người tâm sự: "Nhớ đồng đội, nhớ chiến trường, đặc biệt là chiến trường ác liệt Trị Thiên Huế những năm 1968-1972, ba muốn làm một điều gì đó để tri ân những người đã ngã xuống!"



Những trang hồi ức của ba tôi ra đời trong hoàn cảnh như vậy.



Nhớ lời ba dặn khi trao những tập bản thảo viết tay cho tôi trước khi người đi xa mãi không có ngày trở về: "Con đánh máy và cất giữ cẩn thận cho ba nhé!". Lúc ấy tôi không nói được gì ngoài từ "Vâng". Ba nắm chặt tay tôi mãi không rời!



Đó là những giờ phút cuối cùng của ba tôi vào tháng 8-2008.



Tháng 11-2010, được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà văn Hoàng Đình Quang, bạn học Hoa Huyền, tập hồi ức Trị Thiên Huế của ba tôi ra đời, thú thật là tôi chỉ nghĩ đơn giản: Thay vì đánh máy tôi sẽ xuất bản cho ba tập sách mà ba hằng tâm huyết khi viết và trân trọng cho đến khi nhắm mắt để con cháu giữ làm kỷ niệm, cũng là để thỏa lòng mong ước bấy lâu của người, tôi cũng nghĩ: Thời buổi xã hội đang phát triển theo xu thế hội nhập, nhiều khi những kỷ niệm về chiến tranh sẽ trở nên lạc lõng với một số người, nhiều người còn có biểu hiện "quay lưng" với quá khứ nữa ấy chứ!



Nhưng tôi đã nhầm!



Sau khi nhận sách, tôi gửi tặng các chú bác là hàng xóm, cũng là đồng đội cũ của ba ở nhà A2, nơi ba tôi đã gắn bó ở đó 25 năm, Tặng các chú các bác ở câu lạc bộ thơ mà ba tôi vẫn tham gia sinh hoạt. Tặng các đồng chí đã và đang làm việc ở Cục dân quân - Bộ tổng tham mưu, nơi ba tôi làm việc ở đó một thời gian dài cho đến khi về hưu. Mọi người đều vui và cảm động. Có một điều đặc biệt là Cục dân quân đã cử một đoàn cán bộ do đồng chí Cục trưởng đích thân mang tặng cho Bộ Chỉ huy quân sự, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế để lưu giữ vào thư viện (50 cuốn). Sau đó vài ngày tôi có nhận được điện thoại của anh Nghĩa Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Quân sự Thừa Thiên Huế gọi ra hỏi thăm và cảm ơn gia đình, anh cũng đánh giá cao tập Hồi ký của Ba tôi đã để lại nhiều tư liệu lịch sử cho địa phương...



Vậy là tập sách của ba tôi đã được đón nhận với tình cảm chân thành từ những người bạn, người đồng chí của ba, tôi thực sự xúc động.



Trong số bạn bè của mình, tôi có ký tặng TS Vương Cường cuốn sách của ba tôi, sau khi nhận từ tay tôi, anh nói: "Anh sẽ đọc và có cảm nhận, có điều dịp này anh đang rất bận", kèm theo lời nói, anh ấn vào tay tôi một phong bì nhỏ: "Em về mua gì thắp hương cụ hộ anh, anh sẽ đọc sách của cụ với tấm lòng của một người lính, người đồng đội cũ vì anh đã từng chiến đấu ở chiến trường đó những năm tháng ác liệt nhất". Anh làm tôi xúc động và không dám trái ý. Thời gian trôi đi, tôi cứ nghĩ lời hứa anh khó thực hiện được vì biết là anh bận lắm(xin lỗi anh vì ý nghĩ này của Bạch Dương) .



...một lần nữa anh lại làm tôi xúc động vì những điều anh đã viết, tôi nghĩ: Không đọc kỹ thì không thể viết "kỹ" được đến thế! Và đôi khi đọc được "kỹ" nhưng không có kỹ năng viết cũng không thể viết được những câu chữ sâu sắc đến thế (như bốn chị em tôi là một ví dụ) . Tôi và chị gái của tôi (Phó giáo sư - Tiến sĩ Đào Thị Oanh) rất tâm đắc bởi hình ảnh so sánh của anh với quá khứ khoán sản trong Nông nghiệp ở miền Bắc nước ta vào thập kỷ ấy! Cũng làm nổi bật thêm ý nghĩa logic: "Tập hối ký của tác giả ĐÀO MAI như thêm một minh chứng cho ta thấy một góc nhỏ của chiến trường, trả lời thêm cho việc vì sao khoán của Kim Ngọc chưa được dùng trong thực tế." (lời anh Vương Cường)



Qua entry này, tôi muốn thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn tới những người đồng chí, người bạn của ba, các anh, chị và bạn bè của tôi, cảm ơn anh đã dành thời gian đọc cuốn Hồi ức của ba tôi với tình cảm đặc biệt và có lời cảm nhận tâm thành.



Tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi bạn đọc vì một số thiếu sót trong cuốn sách như lời cảm nhận của anh Vương Cường và xin được lượng thứ.



Được sự đồng ý của anh, tôi xin chia sẻ lời cảm nhận của anh với bạn đọc vnwebogs. Cảm ơn sự đồng ý của anh và sự quan tâm của quý bạn đọc.



Đọc sách:

Hồi ức chiến tranh "Trị Thiên Huế trong tôi"

của Tác giả Đào Mai,

NXB Hội nhà văn năm 2010

Tiến sĩ Vương Cường. vnweblogs.com



Tôi được chị Bạch Dương gửi tặng tập sách “Trị Thiên Huế trong tôi” của bác Đào Mai, thân phụ của chị, khi sách vừa ra. Ý nghĩ phải đọc và viết một cái gì đó vì với tôi Trị Thiên Huế rất gần, có thể nói tôi và nhiều bạn tôi được sinh ra ở đó lần thứ hai. Nhưng rồi do bận nhiều việc nên cứ lần lữa mãi, trong đó có ý nghĩ chủ quan rằng, chắc hồi ức chiến tranh cũng na ná nhau, ta thắng địch thua, ca ngợi những người lính anh hùng…Thời nay lại là thời của cuộc chiến tranh khác, chiến tranh kinh tế, nghe chừng không hợp cảnh lắm. Người Trung Quốc còn bỏ Lỗ Tấn ra ngoài sách giáo khoa cơ mà!



Nhưng lời nói với chị Bạch Dương, tôi vẫn giữ. Câu nói của Abutalip vẫn nóng hổi trong tôi: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác". Giữa hai chiều day dứt ấy cho đến những ngày tết, ngồi nhà tôi đọc. Không ngờ các tình tiết câu chuyện cuốn hút tôi, đọc đến hết!



Tập hồi ký có 9 mục, trong đó mục 1: Hồi ký kháng chiến chống Mỹ cứu nước xem như lời nói đầu hay tâm sự của tác giả khi viết tập sách này, mục 9 là phụ lục: Thơ.



Thật cảm động khi đọc những lời cuối sách của con gái tác giả Đào Thị Phượng.



Hồi ức chiến tranh thực sự bắt đầu từ mục 2 đến mục 8, nhưng tôi thật sự chú ý từ mục 3 đến mục 8! Bạn có thể hỏi vì sao, bởi tôi thấy từ mục 3 đến mục 8, không khí chiến trường, các câu chuyện kể tự nhiên, có kịch tính, đọc và thấy chiến tranh nơi vùng đất ác liệt nhất nhì trong chiến tranh cứ hiện về rõ nét. Tập hồi ức này cho ta sống lại những năm tháng ác liệt của cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của đất nước. Không gian câu chuyện xẩy ra từ nơi chiến trường máu lửa và tinh thần yêu nước, xả thân của những người chiến sỹ vùng đất đó. Thời gian là những ngày tháng tổng tiến công, nổi dậy 1968, năm mà sau đó, chiến trường mở mắt cho Mỹ biết cần phải tính đến cuộc rút chân ra khỏi miền Nam. Hồi ký thật sự thành cao trào ngay trong đêm mồng 1 tết Mậu Thân. Không phải những đại đoàn quân tiến đánh các trận đánh lớn mà như một sự âm thầm của những du kích bí mật, những chiến sỹ giao liên gan vàng, dạ sắt, khi tuổi đời chưa quá 20. Những bà mẹ, những chị, những em thông minh, táo bạo, mưu trí, anh hùng, nghĩ ra nhiều cách đánh giặc với lòng nhiệt huyết dám chấp nhận hy sinh với quyết tâm tự nguyện đánh giặc bằng mọi cách. Những địa danh từ thành phố Huế đến các huyện Hương Trà, Hương Thủy…những làng Văn Xá, La Chữ, Quế Chữ…vốn quen thuộc với mọi người thời đó nay lại ngân vang trên từng trang sách. Tôi yêu “người đàn bà trong ngõ cụt”không chỉ hành động cứu người chiến sỹ cách mạng trong hoàn cảnh éo le mà còn vì chị là người sâu sắc. Tôi thương mến chị giao liên dẫn đường mà sự tự tin, bình thản giữa vòng vây giặc mà như đi làm đồng. Chị nói với tác giả: “Đồng chí đi sau tôi dăm chục bước, thấy tôi lấy nón quạt là đi bình thường. Nếu gặp giặc phải nổ súng, đồng chí cứ đi, mặc tôi đối phó với chúng”. Tôi yêu em Phức vừa 12 tuổi đã là một giao liên đầy kinh nghiệm, em hồn nhiên và tham gia đánh giặc mà cứ như đi chơi. Lặn lội đầy mưu trí giữa bốn bề là gặc nhưng khi đến hậu cứ em lăn ra ngủ thật ngon lành. Tác giả viết:” Phức nằm khoèo trên chiếc phản con ở trong phía dãy bàn ăn đánh một giấc…” Giấc ngủ của một thiên thần giữa bốn bề là giặc, tuy có an toàn hơn, nhưng ở chiến trường điều gì cũng có thể xẩy ra ví như giặc đổ bộ hay pháo bắn, máy bay ném bom…Nhưng mặc kệ, cuộc chiến còn dài cần ngủ lấy sức để tiếp tục. Tôi cũng đã theo bước chị du kích bí mật Hường và Cúc đi lại ba lần tìm cách đánh xe thư của địch, nhưng cả ba lần đều không có thuận lợi và rồi tự nghĩ ra cách đánh bọn Mỹ ngay giữa làng mình, mặc dù chỉ huy xã chưa dám đánh vì không có đường rút. Hai chị đánh giặc mà như diễn kịch! Những tên Mỹ và ngụy sống sót ngay trong lúc đó cũng không thể ngờ người chúng gặp vừa ném lựu đạn tiêu diệt 3 tên Mỹ và mấy cô gái điểm. Chỉ huy xã vẫn cân nhắc sợ mấy cô này chết mặc dù chúng cũng là những điệp viên.



Một phía khác, phía bên kia, những tên xâm lược cũng hiện lên khá rõ qua nét bút của tác giả. Những chiến sỹ biệt động cũng hiện lên như những anh hùng. Hồi ký còn cho thấy sự tài tình của cách mạng khi cài người vào làm chỉ huy, người chịu trách nhiệm cao nhất, tiểu đoàn trưởng quân ngụy. Việc đại úy bị bắt cùng 17 tên ngụy, trong đó có 4 an ninh ngụy và cuộc “đấu tranh” cũng như trốn trại giam được tác giả viết tỷ mỷ, có lớp lang, có kịch tính thật sự thu hút. Chỉ có người chỉ huy cao nhất ở đó và chúng ta, những người đọc mới biết được đại úy là “người đàng mình”. Hồi ký cũng cho thấy sự hy sinh cao đẹp của những chiến sỹ cách mạng trên chiến trường đánh giặc. Họ không hề có giây phút cân nhắc, tất cả vì độc lập dân tộc, họ là những anh hùng trong lòng bạn đọc.



Tác giả không phải nhà văn nhưng là người trong cuộc. Những chuyện kể có thật, tự nhiên không thêm thắt, văn phong cũng mộc mạc nhưng sinh động lắm. Óc quan sát thật tỷ mỷ, những vật hiện hình đều có lý. Này nhé, tả trong nhà người đàn bà, cho tới giờ chưa biết tên gì và ở đâu: “ Tôi cũng chú ý ngay sát đầu giường có một cái bồ to, chắc là đựng vỏ bào, vì ngay cạnh đó trên nền nhà là một đống lốn nhổn mùn cưa, củi vụn…” Một thí dụ này cũng cho thấy sự tả khá tinh tế, ta biết ngay là người đàn bà nghèo. Tôi nhớ SêKhốp có nói đại ý, khi tả trong truyện nếu có khẩu súng treo trên tường thì khẩu súng ấy phải bắn trong câu chuyện. Bạn thấy cái bồ ấy, chính là nơi khi người đàn bà biết chắc người đang nhờ sự giúp đỡ của mình là quân giải phóng “thì chị chỉ tay vào góc nhà: - Anh núp vào kia đi. Trong cái bồ ấy!"



Khi đọc tập hồi ký này, tôi lại liên hệ tới một sự việc cùng xẩy ra ở miền Bắc cùng xấp xỉ thời gian hồi ký quan tâm. Đó là chuyện khoán của bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc ở Vĩnh Phú. Lịch sử còn chưa xa, thế mà có người hình như đã quên hoặc không trở về đúng với lịch sử khi đó. Lịch sử - cụ thể là một phương pháp cho ta thấy đúng cái đã xẩy ra. Người ta làm phim ca ngợi, người ta viết báo ngợi ca. Đơn cử gần nhất trên báo Văn Nghệ trẻ số 1-2 ra ngày 2 và 9-1 có bài của nhà thơ Trần Quang Quý, nhan đề:”Bi kịch của “triết gia khoán mười”, kể về ông Thiết. Tôi lấy làm lạ lắm, khoán mười chẳng liên quan gì đến khoán Kim Ngọc mà ông Thiết có tham gia. Ngay cả khoán chui trước 1980, khoán 100 năm 1981 cũng chẳng dan díu gì. Tôi đã nói nhiều lần về khoán Kim Ngọc trên nhiều diễn đàn nay nhân thể nói thêm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta là cuộc đối đầu lịch sử giữa hai phe : XHCN và TBCN.

Vì vậy mà cuộc kháng chiến của ta được sự ủng hộ cả vật chất và tinh thần của nhân dân thế giới và trước hết là các nước trong phe XHCN. Tuy nhiệm vụ có lúc khác nhau nhưng giữa hai miền Nam – Bắc có mối quan hệ mật thiết với nhau. Quyết tâm giành độc lập dân tộc đã được khắc lên trên nhiều đỉnh núi” Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!” “Tất cả cho tiền tuyến”. Hợp tác xã nông nghiệp không chỉ là mô hình kinh tế mà còn là mô hình chính trị - quân sự như nhiều người nói. Mô hình đó đang không phù hợp với phát triển kinh tế nhưng rất phù hợp với chiến tranh. Chúng ta đang tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhớ rằng trên chiến trường trước mậu thân chưa có dấu hiệu Mỹ phải rút quân. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu đó bằng cách chuẩn bị tổng tiến công trên toàn chiến trường. Việc đó là quan trọng nhất và cần sự chuẩn bị thật chu đáo và chắc thắng. Mọi người đều biết lới chúc tết năm 1968 của Bác Hồ kết thúc bằng câu: "Tiến lên toàn thắng ắt về ta!" Đó là mệnh lệnh theo nghĩa đen, cả miền nam cùng nổi dậy! Cuộc tiến công, nổi dậy đó tuy chưa đủ giải phóng hoàn toàn miền Nam nhưng buộc Mỹ phải nhìn thấy con đường rút khỏi miền Nam. Cả nước là chiến trường khẩn trương chuẩn bị như thế, trong hoàn cảnh đó, miền Bắc tuy khó khăn nhưng rất yên ổn với cơ sở kinh tế - xã hội chủ yếu là HTX. Không ai dại gì làm khó mình khi đưa ra chủ trương khoán để tăng sản lượng lúa, trong khi phá vỡ cơ sở kinh tế - xã hội đang thuận lợi cho cuộc kháng chiến. Dù có tăng đến cả trăm lần thì cũng không thể giải quyết được lương thực thực phẩm, súng ống, đạn dược cho chiến trường. Tất cả những điều đó, ai ở chiến trường thì biết sự giúp đỡ vô cùng to lớn của Liên Xô, Trung Quốc…Ngay một số tỉnh miền trung như Quảng Bình – Vĩnh linh, một phần Nghệ An, Hà Tĩnh cũng ăn gạo viện trợ. Tóm lại việc khoán của anh Kim Ngọc đáng trân trọng nhưng chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước khi đánh giặc là nhiệm vụ hàng đầu, phát triển kinh tế là thứ hai!



Tập hối ký của tác giả ĐÀO MAI như thêm một minh chứng cho ta thấy một góc nhỏ của chiến trường, trả lời thêm cho việc vì sao khoán của Kim Ngọc chưa được dùng trong thực tế.



Một vài ý kiến trao đổi thêm với các nhà làm sách:



-Thứ nhất, hồi ức hay hồi ký? Hai khái niệm này tuy có chỗ giống nhau nhưng không trùng khít. Tôi nghiêng về tác giả gọi là hồi ký chiến tranh thì đúng hơn.



-Thứ hai, cuốn sách hay rất cần kết cấu hay. Theo tôi nếu kết cấu lại thì cuốn sách dễ đọc hơn. Kết cấu đó là: phần 1 đã in, nên xem là lời nói đầu vì tác giả chỉ nói đến quan niệm viết hồi ký, chưa vào nội dung (phần này không đánh số). Phần 1 bắt đầu từ Bài học đầu tiên…phần 7 là Hồ Kim thanh, riêng phần cuối lời cuối sách (không để phần). Phần phụ lục đặt riêng là mấy bài thơ.



-Thứ ba còn lỗi chính tả, ít nhiều ảnh hưởng đến cảm xúc của người đọc …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét