Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

"Dở" người

"Dở người"








Từ ngày về nước đi làm, tôi không được tự mình cầm tay lái, lý do các con tôi đưa ra là: "Mẹ có tuổi rồi, đi lại ở Hà nội bây giờ nhộn nhạo lắm chứ không như những năm 90 mẹ đi đâu!"



"Trẻ cậy cha, già cậy con". Nghĩ vậy nên tôi nghe lời các con một cách triệt để.



Tôi sắm cho mình một chiếc xe bốn bánh con con gọi là để tránh mưa nắng mỗi khi đi làm hàng ngày và phục vụ những chuyến công tác xa Hà nội. Việc cầm tay lái do thằng cháu họ đảm nhiệm.



Vì không trực tiếp tham gia giao thông nên tôi ít bị bực mình. Hôm qua con gái thứ hai điện thoại mời mẹ lên chơi, nghỉ hè nên tôi cho cháu lái xe đi làm taxi, tôi liều lấy xe máy và đi chơi với con gái.



Đến một ngã tư, đèn đỏ nên phải dừng, bỗng sau lưng tôi nổi lên rất nhiều tiếng còi xe inh ỏi. Khó chịu, tôi quay lại và nói: "Đèn đỏ, không đi được!", liền sau đó tôi nhận được tiếng quát của một nam thanh niên: "Đúng là dở người!". Tôi nhìn đàng trước thì không thấy có bóng cảnh sát giao thông. Vậy ra chỉ vì muốn vượt đèn đỏ mà người ta gán cho tôi biệt danh "dở người". Đến nhà con gái tôi không dám nói chuyện vừa rồi, vì biết thế nào cũng bị nó trách: "Mẹ không nghe lời con, ở nhà họ đi ẩu lắm!". Điều này lý giải vì sao đất nước mình không còn chiến tranh nhưng bình quân mỗi ngày vẫn có tới 30 đến 40 người chết vì tại nạn giao thông.



Nhớ lại ở nước người, mặc dù trên đường vắng tanh không một bóng xe, bóng người nhưng khi tham gia giao thông, người lái xe luôn có ý thức tự giác và tôn trọng luật giao thông, họ luôn coi đó là nghĩa vụ mà một công dân phải chấp hành trước pháp luật.



Có khi tôi "dở người" thật rồi cũng nên, và chắc là không khi nào tôi cầm tay lái nữa cho đỡ bực mình!





Bạn thấy tôi "dở người" bao nhiêu phần trăm rồi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét